Thứ Sáu, 19 tháng 3, 2021

CHƯA HỀ CÓ AI NÓI NĂNG NHƯ NGƯỜI ẤY

 


Ông  Ni-cô- đê -mô nói với họ: “Lề Luật của chúng ta có cho phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không?   (Ga 7,51)

 Ðức Giêsu là ai đối với tôi? Tôi có sẵn sàng đứng về phía Chúa Giêsu không? Tôi có sẵn sàng dâng cho Người lòng trung thành trọn vẹn của mình không? 

Lạy Chúa Giêsu, Tin mừng của Chúa đem lại niềm vui và sự giải thoát. Chớ gì con luôn trung thành với Chúa, thậm chí khi nó mang lại thử thách và thánh giá trên trái đất này để con có thể chia sẻ triều thiên chiến thắng của Chúa trong cõi vĩnh hằng.

Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2021

240 người nhiễm nCoV sau khi tiêm vaccine Pfizer

 Thông tin về những người này và địa điểm tiêm chủng chưa được công bố chính thức. Đây không phải hiện tượng quá bất ngờ đối với các nhà khoa học. Nó một lần nữa nhấn mạnh người dân cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng tránh virus trong thời gian liều tiêm vaccine kích thích cơ thể sản sinh miễn dịch.

Vaccine Pfizer không được bào chế bằng nCoV. Thay vào đó, nó chứa một đoạn mã di truyền của virus, giúp hệ miễn dịch nhận ra các protein gai trên bề mặt, tạo kháng thể để tấn công vào những lần sau. Như vậy, không ai có thể nhiễm bệnh từ chính các liều tiêm, như tình trạng từng xảy ra đối vaccine từ virus sống hay bất hoạt trước đây.

Đến nay, các nghiên cứu cho thấy khả năng miễn dịch với nCoV chỉ tăng khoảng 50% sau 8 đến 10 ngày tiêm chủng.

Đây là lý do vì sao liều vaccine thứ hai, nhắc lại sau 21 ngày, rất quan trọng. Nó giúp tăng cường phản ứng của hệ thống miễn dịch đối với virus, đem lại hiệu quả 95% và đảm bảo khả năng miễn dịch kéo dài.

Bất cứ ai tiếp xúc với virus vài ngày trước khi tiêm hoặc vài tuần sau khi tiêm vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh và phát triển triệu chứng. Bên cạnh đó, các thử nghiệm chưa xác định được liệu vaccine có thể ngăn ngừa các ca nhiễm không triệu chứng hay không.


Trong một số trường hợp, virus trong niêm mạc mũi của người bệnh, nằm ngoài tầm ảnh hưởng của kháng thể, vẫn phát tán và lây lan cho người khác. Dù không gây hại cho chính người bệnh bởi cơ thể đã hình thành một lớp miễn dịch, chúng vẫn có thể bắn ra ngoài qua dịch thể mũi và miệng.

Đa số người Israel đã chủng ngừa đều cho biết không gặp vấn đề sau tiêm. Khoảng một trên 1.000 người báo cáo các phản ứng phụ nhẹ, vài chục người tìm đến bệnh viện.


https://vnexpress.net/

Thục Linh (Theo Israel Times)


Càng ngày chúng ta vẫn cảm thấy lo sợ, hoang mang trước sự nguy hiểm của Virut cho dù đã được tiêm hay không được tiêm thì mối lo sợ vẫn còn đó. Chúng ta biết rằng có một Đấng có thể giải thoát và ban cho chúng ta sự bình an, đó chính là Chúa Giêsu, Ngài đến giải thoát chúng ta khỏi mọi sợ hãi, mọi tội lỗi, và mọi chướng ngại có thể ngăn cản chúng ta mà hôm nay  được nhấn mạnh trong Tin Mừng . Xin cho Lời Chúa thấm nhập vào lòng con và biến đổi tâm trí con để con có thể nhìn thấy quyền năng và vinh quang của Chúa. 


"Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi."  ( Mt 4,16)





Thứ Bảy, 2 tháng 1, 2021

11 thượng nghị sĩ tuyên bố sẽ 'lật kèo' bầu cử Mỹ

 11 thượng nghị sĩ Cộng hòa thông báo sẽ phản đối việc công nhận kết quả bỏ phiếu của cử tri đoàn tại phiên họp chung Quốc hội vào ngày 6/1.

Thượng nghị sĩ bang Texas Ted Cruz cùng 10 đồng nghiệp đảng Cộng hòa ngày 2/1 ra tuyên bố chung nhấn mạnh cuộc bầu cử hồi tháng 11 tại Mỹ cho thấy "những cáo buộc chưa từng có về gian lận bầu cử và những hành vi bất hợp pháp", vì thế, họ sẽ bỏ phiếu phản đối việc chấp nhận kết quả bầu cử, trừ khi các lá phiếu được kiểm lại trong 10 ngày.



Trước đó, thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Missouri Josh Hawley cũng tuyên bố sẽ phản đối công nhận kết quả bầu cử với lý do là một số bang đã không tuân thủ luật bầu cử của chính mình.

"Gian lận phiếu bầu đã đặt ra một thách thức dai dẳng trong các cuộc bầu cử của chúng ta dù quy mô và phạm vi của nó còn tranh cãi. Dù đo đếm bằng bất kỳ cách nào, các cáo buộc về gian lận và bất thường trong cuộc bầu cử năm 2020 đều vượt quá mọi giới hạn trong cuộc đời chúng tôi", 11 thượng nghị sĩ Cộng hòa cho biết trong tuyên bố chung.

"Quốc hội nên chỉ định ngay một Ủy ban Bầu cử, với đầy đủ quyền điều tra và tìm hiểu thực tế, để kiểm phiếu khẩn cấp trong 10 ngày ở các bang có tranh chấp", tuyên bố có đoạn. "Sau khi hoàn tất kiểm phiếu lại, các bang sẽ đánh giá kết quả của ủy ban và có thể triệu tập một phiên họp đặc biệt để chứng nhận sự thay đổi trong phiếu bầu của họ, nếu cần".

Theo đó, 11 thượng nghị sĩ Cộng hòa khẳng định sẽ không chấp nhận các đại cử tri đến từ những bang tranh chấp cho đến khi cuộc kiểm phiếu lại khẩn cấp trong 10 ngày hoàn thành.

Tổng thống Donald Trump cùng đồng minh vẫn tiếp tục lên kế hoạch "lật kèo" bầu cử, bất chấp các tòa án, thống đốc, quan chức bầu cử, Bộ Tư pháp và nhiều cơ quan trong chính quyền Mỹ đều khẳng định không tìm ra bằng chứng gian lận bầu cử hồi tháng 11.

Phó tổng thống Mike Pence kiêm Chủ tịch Thượng viện ngày 6/1 sẽ chủ trì phiên họp xác nhận kết quả bỏ phiếu của đại cử tri đoàn và tuyên bố người giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm nay. Trump và các đồng minh dự định để các nghị sĩ Cộng hòa nộp văn bản kiến nghị phản đối phiếu đại cử tri ở các bang chiến trường bị cáo buộc gian lận.

Họ lên phương án nộp danh sách đại cử tri thay thế và đã đệ đơn kiện yêu cầu thẩm phán liên bang tuyên bố Phó tổng thống Pence là người duy nhất có quyền định đoạt phiếu đại cử tri, qua đó tuyên bố Trump là người chiến thắng. Tuy nhiên, mọi kịch bản "lật kèo" bầu cử đều được nhận định không có khả năng thành công.


https://vnexpress.net/

Vũ Hoàng (theo Hill, Fox News)


Thế giới dường như đang bị mê hoặc trong sức mạnh, địa vị, quyền lực,.... của một Đảng  nào đó thì hôm nay Lời Chúa mặc khải cho chúng ta một vị Vua hay còn gọi là Hoàng Tử Hòa Bình đến và ở với chúng ta. Khi  tìm thấy vị Vua mới sinh, 3 Vua khiêm tốn sấp mình thờ lạy Người, và dâng tiến Người những món quà xứng hợp dành cho một vị Vua. Xin giúp con trở thành chứng nhân tốt lành của niềm vui Tin mừng cho tất cả những người con gặp gỡ.





 "Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình thờ lạy Người" (Mt 2,11).







Thứ Sáu, 1 tháng 1, 2021

Việt Nam sẽ hạn chế số ca Covid-19 ở mức thấp nhất

 2020 là một năm đầy biến động với những thử thách gần như chưa có tiền lệ tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Dịch bệnh diễn ra ở quy mô lớn chưa từng thấy với diễn biến rất phức tạp, nên đã buộc đội ngũ thầy thuốc phải đối mặt với những thử thách lớn.

Quyết định khó khăn nhất đối với tôi là lúc công bố hai ca bệnh nCoV (khi đó WHO chưa đặt tên bệnh là Covid-19) đầu tiên gồm Li Ding và Lizhichao ngay tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Khó khăn là bởi theo đúng quy trình thì công bố hai ca bệnh đó là Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế. Tuy nhiên, trong thời khắc đó, hoàn cảnh buộc tôi phải công bố thực sự là một quyết định rất khó khăn.

Thêm nữa, lúc đó đã là 28 Tết. Mọi người, mọi nhà đang chuẩn bị đón Tết trong ấm cúng, an vui. Tôi biết khi công bố hai ca bệnh đầu tiên này người dân sẽ rất lo lắng, nghĩ vậy nên lòng tôi chùng xuống.


Trong năm qua, các thầy thuốc, không chỉ những người làm công tác dự phòng hay điều trị, đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng đến các ổ dịch, các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19. Và không thể không nhắc tới sự đóng góp quý báu của những người làm công tác xét nghiệm, hậu cần, truyền thông.... Ngành y đã huy động tổng lực trong cuộc chiến này. Và cho đến hôm nay tôi thực sự vui mừng khi chúng ta đã và đang thực hiện tốt công tác phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe người dân, để thực hiện mục tiêu kép là đẩy lùi dịch bệnh, phát triển kinh tế xã hội.

Khi xuất hiện trở lại tại Đà Nẵng, Covid-19 tấn công vào hai vị trí xung yếu của Bệnh viện Đà Nẵng là Khoa Hồi sức cấp cứu và Khoa Thận nhân tạo. Những người được điều trị tại hai khoa này đều là những bệnh nhân nặng, có nhiều bệnh nền, nhiều người trong số đó cao tuổi, sức đề kháng yếu. Tôi thực sự rất đau lòng khi phải chứng kiến sự ra đi của những bệnh nhân Covid-19.

Ca tử vong đầu tiên phải nói là rất buồn. Tuy nhiên, ngày buồn nhất là số ca tử vong lên tới 4, thông báo liên tục và mỗi lần như vậy chúng tôi như xát muối trong lòng. Đội ngũ nhân viên y tế đã cố gắng hết sức để cứu chữa, liên tục hội chẩn trực tuyến và lấy ý kiến điều trị của các chuyên gia hàng đầu Việt Nam. Có những lúc tôi đã thất thần, nhưng tôi tự nhủ phải thực sự bình tĩnh và không được để bất cứ bác sĩ nào nhụt chí.

Bên cạnh nỗi buồn, cũng có nhiều niềm vui. Đó là khi lần lượt hơn 354 bệnh nhân ở Đà Nẵng, gần 100 bệnh nhân ở Quảng Nam và nhiều bệnh nhân ở các tỉnh, thành khác được điều trị khỏi. Đó là khi bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Đà Nẵng được gỡ phong tỏa. Đó cũng là lúc tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng nói riêng, miền Trung nói chung được kiểm soát, không còn xuất hiện ca mắc mới trong cộng đồng, cuộc sống của người dân dần đi vào quỹ đạo bình thường... Mỗi kỷ niệm đều có những giá trị riêng khó mà so sánh được niềm vui nào lớn hơn hay niềm vui nào là nhỏ bé

https://vnexpress.net/

Viết Tuân


Đầu năm chúng ta được nghe tin vui, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng cảm thấy phấn chấn và hào hứng. Thật vậy như Tin Mừng hôm nay nhắc nhở rằng Thiên Chúa luôn ở giữa chúng ta trong mọi biến cố vui buồn của cuộc sống nhưng hỏi có mấy ai nhận ra sự hiện diện đầy yêu thương và khiêm tốn của Ngài. Xin Chúa ban cho con niềm vui Tin mừng để con có thể chỉ cho người khác biết Chúa như Gioan đã làm qua đời sống của mình.



"Có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết". ( Ga 1,26)







Thứ Tư, 30 tháng 12, 2020

Rạn nứt 'phủ băng' quan hệ Trung - Ấn 2020

 Một trong những sự kiện nổi bật trong năm 2020 ở châu Á là cuộc đụng độ giữa Trung Quốc và Ấn Độ tại thung lũng Galwan, vùng Ladakh, nơi cả hai đều tuyên bố chủ quyền hồi tháng 6. 20 lính Ấn Độ thiệt mạng trong khi Trung Quốc không xác nhận thương vong ở phía mình. Đây là lần đụng độ gây chết người đầu tiên ở biên giới hai nước kể từ năm 1975. Sự kiện này đã định hình mối quan hệ giữa hai "ông lớn" châu Á trong năm qua.


"Quan hệ Trung - Ấn đã rẽ sang bước ngoặt nguy hiểm sau cuộc đụng độ biên giới. Nó khiến Ấn Độ phải suy nghĩ lại và điều chỉnh lại chiến lược của mình đối với Trung Quốc", Purnendra Jain, giáo sư về Nghiên cứu châu Á tại Đại học Adelaide, Australia, nói với VnExpress. Ông cho biết không chỉ dư luận ở Ấn Độ trở nên tiêu cực về Trung Quốc mà nhiều người từng ủng hộ xích lại gần Bắc Kinh giờ chuyển sang thúc đẩy lập trường cứng rắn hơn.

"Quan hệ Trung - Ấn đã được viết lại hoàn toàn sau đụng độ ở Ladakh", Salvatore Babones, phó giáo sư tại Đại học Sydney, nhận định.

Manoj Joshi, chuyên gia quan hệ Ấn - Trung, tại Quỹ Nghiên cứu Quan sát viên (ORF) ở New Delhi, cho rằng "Ấn Độ coi cuộc đụng độ là sự phản bội quá trình bình thường hóa được khởi xướng từ năm 1993", nhắc đến năm hai nước thiết lập thỏa thuận duy trì hòa bình ở các vùng biên giới.

Trong khi đó, Yun Sun, giám đốc Chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson ở Washington, cho rằng cách nhìn của Ấn Độ về Trung Quốc đã thay đổi nhiều hơn cách nhìn của Trung Quốc về Ấn Độ sau cuộc đụng độ biên giới. "Trung Quốc vốn luôn nghi ngờ nhiều về ý định và chiến lược của Ấn Độ, vì vậy, đối với Trung Quốc, không có nhiều mất mát về tình cảm. Nhưng cảm giác tổn thương vì cảm thấy như bị phản bội dường như rõ ràng hơn ở phía Ấn Độ", bà nói.

Srikanth Kondapalli, giáo sư về nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Á thuộc Đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi, chỉ ra hiện không có cuộc họp thường xuyên nào giữa hai nước ngoại trừ việc tìm cách bình thường hóa tình hình ở biên giới và căng thẳng biên giới đã lan sang những mặt khác của quan hệ song phương.

Ấn Độ đã cấm hơn 200 ứng dụng Trung Quốc với cáo buộc gây phương hại chủ quyền và bảo mật dữ liệu. Ấn Độ cũng áp hạn chế đối với các khoản đầu tư của Trung Quốc vào các dự án cơ sở hạ tầng. New Delhi đã cho ngừng hoạt động các Viện Khổng Tử và đưa ra hạn chế thị thực đối với công dân Trung Quốc (đã được dỡ bỏ gần đây).

Sukh Deo Muni, giáo sư danh dự tại Đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi, chỉ ra rằng Ấn Độ đã quyết định giảm phụ thuộc vào hàng nhập khẩu Trung Quốc. Hợp tác 5G gần như bị đóng băng. Ấn Độ cũng phải điều chỉnh lại quan hệ với các nước láng giềng nhỏ hơn như Nepal, Sri Lanka, Maldives và Bangladesh để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

"Không loại trừ khả năng có thêm những hành động trả đũa về thương mại và công nghệ nếu tình trạng bế tắc hiện tại vẫn tiếp diễn", Jain nói.

Trong bối cảnh quan hệ Ấn - Trung và Mỹ - Trung xấu đi, giới chuyên gia cho rằng Ấn Độ có xu hướng xích lại gần Mỹ, củng cố Đối thoại An ninh Bộ Tứ (Quad), diễn đàn chiến lược không chính thức của Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ. Mặc dù không phải là liên minh quân sự chính thức như NATO, Quad được nhiều người coi là đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương.

Muni nhắc đến việc hồi tháng 10 Mỹ - Ấn ký kết Thỏa thuận Hợp tác và trao đổi cơ bản (BECA), tạo điều kiện cho việc chia sẻ công nghệ quân sự cao cấp, bản đồ không gian địa lý và dữ liệu vệ tinh nhạy cảm giữa quân đội của hai nước, giúp nâng cao khả năng hoạt động chính xác của tên lửa và máy bay không người lái.

"Sự gần gũi chiến lược của Ấn Độ với Mỹ và các đồng minh như Nhật Bản và Australia vốn tăng cường từ trước khi xảy ra đụng độ biên giới. Nhưng kể từ sau cuộc đụng độ, Ấn Độ đã xích lại gần những nước này hơn nhiều trong các vấn đề quốc phòng và an ninh. Ấn Độ cũng đang ủng hộ Quad rõ ràng hơn, mặc dù họ tiếp tục duy trì quan điểm rằng Quad không chống lại Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào khác và đây không phải là một nhóm quân sự", Muni nói.

Jain đánh giá việc Ấn Độ mời Australia tham gia tập trận Malabar là dấu hiệu rõ ràng về việc New Delhi thúc đẩy quan hệ đối tác với các nước quan ngại về Trung Quốc. Cuộc tập trận Malabar đầu tiên được tiến hành từ năm 1992 giữa hai nước Ấn Độ và Mỹ. Đến năm 2015, có thêm Nhật Bản với tư cách thành viên thường trực. 2020 là năm đầu tiên hải quân Australia tham gia.

"Quan hệ quốc phòng Mỹ - Ấn đang nhanh chóng mở rộng, đồng thời Ấn Độ đang củng cố quan hệ đối tác với Nga và Pháp. Ấn Độ cũng đang tìm cách tăng cường quan hệ khu vực với các nước ASEAN, Nhật Bản hay Australia", Babones bình luận.

Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng tương lai quan hệ Mỹ - Ấn còn phụ thuộc vào chính sách của Biden. "Ấn Độ đã thể hiện mong muốn liên kết chặt chẽ hơn với Mỹ, nhưng còn nhiều điều chúng ta chưa rõ về chính sách với Trung Quốc của Biden", Yun Sun nói.

"Quan hệ Mỹ - Ấn đã được cải thiện kể từ những năm 2000 và nhiều khả năng Ấn Độ sẽ xích lại gần Mỹ nhiều hơn, mặc dù tình hình có thể không dễ dàng dưới thời Biden như dưới thời Trump, vì Trump và Modi đã có mối quan hệ cá nhân tốt đẹp", Jain nhận xét.

Giới chuyên gia đánh giá Trung Quốc là một trong những yếu tố khiến Ấn Độ quyết định không tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), hiệp định thương mại tự do được ký kết hồi tháng 11 bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 5 quốc gia mà ASEAN đã ký kết hiệp định thương mại tự do gồm Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand.

Ấn Độ vốn có thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc và họ lo ngại về khả năng hàng hóa Trung Quốc tràn vào thị trường Ấn Độ, tạo ra sự phụ thuộc kinh tế lớn hơn. Trong khi đó, các sản phẩm của Ấn Độ có thể không được hưởng lợi nhiều từ việc tiếp cận thị trường Trung Quốc.

Kondapalli chỉ ra Ấn Độ có các Hiệp định Thương mại Tự do với ASEAN và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện với Nhật Bản và Hàn Quốc nên nước này không mất nhiều nếu không tham gia RCEP. Tuy nhiên, các quốc gia như Australia, Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á muốn Ấn Độ tham gia như đối trọng với Trung Quốc.

"Ấn Độ không tham gia RCEP vì họ tin rằng thỏa thuận này sẽ được sử dụng để bán phá giá hàng hóa Trung Quốc ở Ấn Độ, do đó ảnh hưởng đến các nhà sản xuất Ấn Độ. Ấn Độ ít khả năng tham gia RCEP, trừ khi nước này có được những đảm bảo vững chắc chống lại việc bán phá giá hàng hóa Trung Quốc", Joshi nói.

"Cánh cửa tham gia RCEP vẫn mở cho Ấn Độ, nhưng những thông điệp mà chính phủ Ấn Độ đã đưa ra cho thấy ít khả năng Ấn Độ sẽ sớm tham gia RCEP", Jain nói.

Các nhà quan sát có cái nhìn khá ảm đạm về tương lai quan hệ Trung - Ấn trong năm sau. "2021 sẽ là năm băng giá giữa Ấn Độ và Trung Quốc, tùy thuộc vào cách họ giải quyết căng thẳng biên giới", Kondapalli nói. Jain cũng chỉ ra hai bên đạt được rất ít tiến bộ về giải pháp và căng thẳng ở các khu vực biên giới vẫn ở mức cao.

Tuy nhiên, Yun Sun có cái nhìn lạc quan hơn. "Tôi nghĩ rằng vào năm 2021, chúng ta sẽ thấy mối quan hệ Ấn - Trung ổn định hơn trừ khi có bất kỳ rạn nứt đáng kể nào ở biên giới. Cả hai bên đều muốn tránh tình trạng xấu đi thêm", bà nói.

Ông Muni miêu tả quan hệ Trung - Ấn trong vài tháng tới là "chung sống đối kháng" và nhận định ngoài vấn đề biên giới, mối quan hệ còn chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài khác. "Mối quan hệ này sẽ bị ảnh hưởng bởi bất kỳ thay đổi lớn nào trong cách tiếp cận của Mỹ đối với Trung Quốc dưới thời Biden và mối quan hệ đang thay đổi của Nhật Bản dưới thời tân Thủ tướng", Muni nói.


https://vnexpress.net/

Phương Vũ

Trước một sự kiện hay một vấn đề xảy ra, chúng ta xem đó là một sự tích cực hay tiêu cực thì phụ thuộc hoàn toàn vào sự chọn lựa của mình. Lời Chúa hôm nay cho chúng ta cảm nhận rõ hơn về lòng thương xót của Thiên chúa khi Ngài mặc lấy thân phận con người, trở nên giống phàm nhân cùng đồng hành, đồng cảm với chúng ta trong  mọi nẻo đường. Xin Chúa mở lòng  con để đón nhận sự sống của Người và gia tăng tầm nhìn của con với ánh bình minh, niềm hy vọng- tín thác vào Chúa.



 "Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta." ( Ga 1,14)




Thứ Ba, 29 tháng 12, 2020

Bác sĩ phát khóc vì kiệt sức

 Tại một bệnh viện ở thủ đô London, 5h chiều, một nữ bệnh nhân 60 tuổi mắc Covid-19, đột ngột trở nặng. Trước đó, bà chống chọi với khó thở, mức oxy suy giảm.

Bác sĩ trẻ Ian (tên đã thay đổi), đang công tác ở khoa truyền nhiễm, hầu như chưa ăn uống vào ngày hôm đó, sống nhờ cà phê, luôn chân luôn tay. Khoa điều trị 55 người bệnh, dù quy mô cho phép chỉ 30.

Bệnh nhân vốn là người khỏe mạnh, còn nhiều năm cuộc đời phía trước, đột nhiên chuyển nặng.

"Người bệnh không phản ứng và phải thở máy", Ian nói. Anh chẩn đoán khả năng người phụ nữ bị đột quỵ.

"Chúng tôi đã cố gắng gọi cho chồng con của bà để thông báo - một cuộc gọi không người nào muốn nhận", anh cho biết.


Hiện tại là khoảng thời gian khó khăn nhất trong sự nghiệp bác sĩ Ian khi bệnh nhân Covid-19 nhập viện tăng cao khó lường.

"Chúng tôi có ba hoặc bốn... và đột nhiên vài tuần trước, con số bắt đầu tăng tốc. Tuần trước Giáng sinh, số lượng người mới vọt lên 30% mỗi ngày".

Ian lo sợ kiệt sức với những ngày làm việc kéo dài liên tục 12 giờ, từ 9h sáng đến 9h tối, căng thẳng tột độ với những cuộc hội chẩn, đánh giá bệnh nhân nào cần xét nghiệm, chụp MRI, ca nào cần chuyển đến khu chăm sóc đặc biệt.

Sự mệt mỏi khiến bác sĩ trở nên tê liệt, ít có khả năng đối phó với những điều bất ngờ xảy ra.

"Bạn bắt đầu cảm thấy mình kém đồng cảm hơn, phản ứng căng thẳng hơn, và biến phần còn lại của cuộc đời theo cách bất lợi, khi bạn cạn kiệt cảm xúc, trở nên khó gần", Ian nói.

Trong cuộc họp buổi tối gần đây, tiếng còi hú báo hiệu bệnh nhân đang ngừng tim. Sau đó, người này chết. Ian trở về nhà và bật khóc vì "áp lực và căng thẳng quá lớn".

"Tôi đã vật lộn 14 tiếng ở bệnh viện. Một ngày thực sự khó khăn khi bạn chứng kiến cái chết và cảm thấy ánh sáng đường hầm còn quá xa xôi", anh nói.

Ian cho biết đơn vị y tế anh đang làm việc còn có nguồn lực tương đối tốt khi giường bệnh vẫn còn. Các đồng nghiệp khác của anh đang phải đối mặt với tình trạng tồi tệ hơn.

"Ở những nơi khác, mọi thứ đã trở nên thảm khốc. Ví dụ, một đồng nghiệp của tôi nói rằng bệnh nhân phải chuyển từ phòng chăm sóc đặc biệt ở Kent đến Bristol, vì đó là bệnh viện gần nhất có thể giúp đỡ sự quá tải của cơ sở này. Tình huống này không xảy ra trong thời bình".

Anh đang là vùng dịch lớn thứ 6 thế giới, ghi nhận thêm 53.135 ca nhiễm mới và 414 trường hợp tử vong hôm 29/12.

Giới chức y tế Anh cảnh báo nước này đang "trở lại tâm bão" Covid-19, với số bệnh nhân nhập viện vượt giai đoạn cao điểm hồi tháng 4 với hơn 20.426 người bệnh nhiễm nCoV đang điều trị.

https://vnexpress.net/

Bảo Châu (Theo Guardian)


Đứng trước những biến động của toàn thế giới, chắc hẳn mọi người sẽ rất hoang mang, sợ hãi...Bài Tin Mừng hôm nay mời gọi ta vững tin và phó thác mọi sự cho Chúa, niềm hy vọng mà Thiên Chúa đặt trong chúng ta qua hồng ân Chúa Thánh Thần sẽ giúp chúng ta kiên vững với lòng tin cậy vào Thiên Chúa, ngay cả khi giáp mặt với những thử thách, trái ý, và thách đố hằng ngày xảy đến.  Xin Chúa cho con không bao giờ ngừng đặt tất cả niềm tin cậy con vào tình yêu và lòng thương xót của Chúa. 


"Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem." (Lc 2,38)





CHƯA HỀ CÓ AI NÓI NĂNG NHƯ NGƯỜI ẤY

  Ông  Ni-cô- đê -mô nói với họ:  “Lề Luật của chúng ta có cho phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không?     (G...