Thứ Hai, 30 tháng 11, 2020

Bức ảnh lột tả nỗi đau người Mỹ trong đại dịch

 Một bệnh nhân Covid-19 ngã vào vòng tay bác sĩ khóc đòi về nhà, trở thành biểu tượng cho nỗi đau của nhiều người Mỹ đang lao đao vì đại dịch.

"Tôi muốn ở bên vợ mình", người bệnh cao tuổi yếu ớt, nói với Joseph Varon, chánh văn phòng Trung tâm Y tế United Memorial ở Houston. Varon bắt gặp người đàn ông này khóc lóc và van nài trên giường bệnh của mình.

Khoảnh khắc xúc động đã được nhiếp ảnh gia Go Nakamura, người đang tác nghiệp cho Getty Images tại khu điều trị bệnh nhân Covid-19, ghi lại vào Ngày Lễ Tạ Ơn.

Bức ảnh được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội vào cuối tuần, sau khi Nakamura đăng lên Facebook. Khoảnh khắc gây tiếng vang vì nó truyền tải nỗi đau và cuộc chiến của hàng triệu người Mỹ, bệnh nhân và nhân viên y tế, khi quốc gia lao đao vì đại dịch.

"Tôi rất biết ơn khi chứng kiến một khoảnh khắc tuyệt vời và tôi cảm ơn tất cả các nhân viên y tế đã làm việc chăm chỉ, thậm chí trong kỳ nghỉ lễ", Nakamura viết trên Facebook.

Bài đăng đã nhận được hàng trăm lượt chia sẻ từ người dùng mạng xã hội. "Tôi rất vui vì bức ảnh được lan truyền rộng rãi vì mọi người đang nói về những điều thực sự xảy ra bên trong các bệnh viện", Nakamura nói với The Washington Post.


"Tôi tin bức ảnh có thể là cánh cửa dẫn đến một số người cụ thể để họ nhận ra điều gì đang xảy ra và thực tế của hiện tại là gì", anh đề cập đến nỗi hoài nghi của nhiều người Mỹ về mức độ nghiêm trọng của nCoV và cuộc khủng hoảng thực sự của đất nước.

Trong một cuộc phỏng vấn với CNN, bác sĩ Varon kể về bức ảnh: "Tôi vào phòng bệnh nhân, ngồi lên giường và trò chuyện với họ bởi những người này thực sự cần ai đó". Varon chia sẻ thêm bệnh nhân Covid-19 thường khóc, thậm chí một số đã cố gắng trốn khỏi bệnh viện vì không thể chịu đựng được sự cô độc.

Bệnh nhân trong bức ảnh đang hồi phục và dự kiến sẽ được xuất viện trong tuần này, Varon cho biết. Với sự gia tăng các ca nhiễm mới tràn ngập các bệnh viện ở Texas, các nhân viên y tế tại Trung tâm Y tế United Memorial đôi khi không thể cung cấp sự thoải mái hơn cho bệnh nhân của họ, Varon chia sẻ.

Tuần trước, Texas báo cáo số ca nhiễm cao thứ hai trên toàn quốc chỉ trong một ngày, với 16.100 bệnh nhân, nhiều hơn khoảng 1.000 ca so với mức cao trước đó. Theo dữ liệu của The Post, bang đã ghi nhận hơn 1,2 triệu người mắc nCoV và hơn 21.000 ca tử vong.

Những làn sóng dịch bệnh ngày càng dâng cao khiến đội ngũ y tế trở nên quá tải, nhiều người bị đẩy đến giới hạn. Bác sĩ Varon, người đã làm việc hơn 250 ngày liên tục, nhiều lần cảnh báo về mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng, kêu gọi mọi người thừa nhận sự nguy hiểm của virus, đồng thời tuân thủ giãn cách xã hội và đeo khẩu trang.

Varon cảnh báo: "Nếu mọi người từ chối 'làm điều đúng đắn', nước Mỹ sẽ đối mặt với những ngày đen tối nhất trong lịch sử y học hiện đại".

Và bức ảnh của Nakamura đã gợi lên một cái nhìn thoáng qua về những ngày đó sẽ như thế nào.

https://vnexpress.net/

Bảo Châu (Theo WSP)


Cảnh tượng trên đã truyền tải nỗi đau và cuộc chiến của hàng triều người trên toàn thế giới. Bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra nhưng con sẽ đứng vững khi con biết tin tưởng vào tình yêu thương xót của Chúa. Xin cất khỏi con sự hoang mang, sợ hãi, lo lắng... nhưng luôn biết tín thác vào Chúa hơn.



"Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy" 

(Lc 10,24)






192 người TP HCM tiếp xúc 'bệnh nhân 1347'

 Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM xác định 192 người các diện tiếp xúc "bệnh nhân 1347", đã lấy mẫu 73 người, đang đợi kết quả xét nghiệm.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM, tối 30/11, cho biết ban đầu ghi nhận 38 người tiếp xúc gần (F1) "bệnh nhân 1347", đã cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm. Các trường hợp tiếp xúc khác là 154, đến tối nay mới lấy mẫu 35 người, công tác lấy mẫu đang tiếp tục.

Giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết đang tiếp tục khẩn trương truy vết, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm những trường hợp liên quan ca nhiễm. Ngành y tế đã vệ sinh khử khuẩn, phong tỏa tạm thời những nơi bệnh nhân từng xuất hiện.

Bệnh nhân nam, 32 tuổi, lây từ nam tiếp viên hàng không là "bệnh nhân 1342", đã công bố chiều 29/11. Mẹ của "bệnh nhân 1342", sinh năm 1957, ở Hóc Môn, ngày 30/11 đã có kết quả xét nghiệm âm tính, bác sĩ Dũng thông tin.

Ca nhiễm này chấm dứt chuỗi 120 ngày TP HCM không ghi nhận lây nhiễm trong cộng đồng. Ca nhiễm cuối cùng tại thành phố ghi nhận vào 4 tháng trước, ngày 2/8.

Bác sĩ Dũng khuyến cáo nguy cơ Covid-19 lây lan trong cộng đồng luôn hiện hữu, người dân cần nâng cao cảnh giác, không chủ quan lơ là. Thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trong tình hình mới theo thông điệp 5K của Bộ Y tế gồm khử khuẩn, khẩu trang, khoảng cách, không tụ tập, khai báo y tế.


https://vnexpress.net/
Lê Nga

Một tin rất buồn, nóng hổi vừa mới xảy ra tại Tp.HCM với biết bao những hoang mang, lo lắng, sợ hãi... Mùa vọng giúp con tĩnh lặng hơn để nhìn lại hành trình của mình với những giới hạn, yếu đuối để hoán cải và bắt đầu lại. Xin Chúa biến đổi con thành một con người mới như Chúa muốn.



“Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người” ( Mt 4,22)





Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2020

Covid-19 toàn cầu vượt 62 triệu, Mỹ cảnh báo hậu quả thảm khốc

 Hơn 62 triệu người nhiễm nCoV toàn cầu, trong đó gần 1,5 triệu người chết, Mỹ dự báo làn sóng nhập viện mới vì hoạt động tụ tập trong Lễ Tạ ơn.

Thế giới ghi nhận 62.543.009 ca nhiễm và 1.457.367 người đã tử vong vì Covid-19, tăng lần lượt 634.964 và 10.209 ca chỉ trong một ngày, 43.161.704 người đã bình phục, theo trang cập nhật theo thời gian thực Worldometers.


Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận thêm 138.064 ca nhiễm và 1.209 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca lên 13.605.048, trong đó 272.247 người đã chết. Khoảng 90.000 bệnh nhân Covid-19 đang được điều trị tại bệnh viện ngày 27/11, tăng gấp đôi so với tháng trước.

Tiến sĩ Celine Gounder, thành viên nhóm cố vấn chống Covid-19 của Tổng thống đắc cử Joe Biden, dự đoán số ca nhiễm, nhập viện và tử vong sẽ tăng mạnh trong vài tuần tới, sau khi hàng triệu người Mỹ tăng cường đi lại, tụ tập trong Lễ Tạ ơn.

"Rất nhiều người nghỉ Lễ Tạ ơn với gia đình, bạn bè sẽ nhận ra mình phải nhập viện điều trị tích cực trong Giáng sinh và Năm mới", Gounder nói.

Một số bang và thành phố của Mỹ đã ban hành lệnh giới nghiêm ban đêm với hy vọng ngăn chặn nCoV lây nhiễm tại các quán bar, bữa tiệc và các sự kiện về đêm khác.

Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 39.567 ca nhiễm và 369 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 9.390.791 và 136.705.

Tình hình trở nên đặc biệt nghiêm trọng tại thành phố New Delhi, khiến nhiều bệnh viện quá tải. Giới chức New Delhi tăng gấp 4 lần tiền phạt với người không đeo khẩu trang, lên 2.000 rupee (27 USD).

Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 467 người chết vì nCoV, nâng tổng số ca tử vong lên 172.561. Số người nhiễm nCoV tăng 51.922 trong 24 giờ qua, lên 6.290.272.

Nhiều địa phương tại Brazil phong tỏa từ khi nCoV xuất hiện hồi tháng 2, song cuộc sống tại những thành phố lớn đã gần trở lại bình thường giống trước đại dịch trong những tuần qua. Dân chúng đổ tới các quán bar, nhà hàng và cửa hàng, nhiều người không đeo khẩu trang.

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro tuyên bố sẽ không tiêm vaccine Covid-19, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ nhiều người ủng hộ ông cũng làm điều tương tự, khiến Brazil không đủ tỷ lệ dân số tiêm chủng để đạt miễn dịch cộng đồng.

Châu Âu đối mặt với đợt bùng phát mới sau mùa hè, khiến nhiều quốc gia tại đây phải tái áp đặt các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt, bao gồm lệnh giới nghiêm và tình trạng khẩn cấp. Các biện pháp này dường như có tác dụng trong vài ngày qua, khi ca nhiễm mới tại một số vùng dịch lớn bắt đầu giảm. Nhiều quốc gia đang nới dần biện pháp hạn chế khi mùa Giáng sinh đang đến gần.

Pháp, vùng dịch lớn thứ 5 thế giới, báo cáo 2.208.699 ca nhiễm và 52.127 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 12.580 ca nhiễm và 213 ca tử vong. "Đỉnh của làn sóng thứ hai đã qua", Tổng thống Emmanuel Macron nói hôm 24/11, nhưng nhấn mạnh vẫn cần tiếp tục nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Macron thông báo cửa hàng được mở cửa từ 28/11 và sẽ dỡ lệnh yêu cầu người dân ở nhà toàn quốc từ ngày 15/12 nếu ca nhiễm mới hàng ở mức dưới 5.000. Tuy nhiên, lệnh giới nghiêm ban đêm vẫn được giữ nguyên và chỉ được nới lỏng vào dịp Giáng sinh, từ ngày 24-31/12.

Anh báo cáo thêm 15.871 ca nhiễm và 479 người chết, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 1.605.172 và 58.030. Chính phủ Anh tái phong tỏa toàn quốc từ ngày 31/10, một trong những lệnh hạn chế nghiêm ngặt nhất tại nước này từ sau Thế chiến II.

Giới chức Anh dự kiến dỡ bỏ toàn bộ hạn chế đi lại trong dịp Giáng sinh. Hạn chế về tụ tập xã hội cũng dự kiến được nới lỏng trong dịp này để cho phép tối đa ba hộ gia đình đón kỳ nghỉ lễ cùng nhau. Tuy nhiên, chính phủ Anh cho biết hơn 23 triệu người sẽ phải chịu những hạn chế chặt chẽ nhất trước khi lệnh phong tỏa toàn quốc chấm dứt ngày 2/12.

Đức ghi nhận 14.645 ca nhiễm và 205 ca tử vong mới, nâng tổng số lên lần lượt 1.001.970 và 16.377. Giới chức Đức nhận định số ca nhiễm hàng ngày còn ở mức cao và lo ngại tình trạng quá tải tại các khu điều trị tích cực của nhiều bệnh viện.

Do lo ngại những người châu Âu sẽ băng qua biên giới đến các ngọn núi để trượt tuyết, Đức đã yêu cầu các đối tác trong Liên minh châu Âu (EU) đóng cửa các khu trượt tuyết cho đến tháng 1/2021.

Dân Đức không bị giới hạn trong nhà từ 2/11 đến 20/12, nhưng được yêu cầu tránh tất cả hoạt động đi lại không cần thiết, chỉ cho phép lưu trú qua đêm vì "mục đích phi du lịch". Trường học và các cửa hàng vẫn được mở cửa, nhưng tất cả nhà hàng, quán bar, nhà hát và rạp chiếu phim phải đóng cửa.

Thủ tướng Angela Merkel thông báo siết chặt quy định về khẩu trang, bắt buộc dân chúng đeo khẩu trang ở tất cả khu vực có lưu lượng người đi bộ qua lại cao cùng trung tâm các thành phố.

16 bang ở Đức dự kiến nới lỏng hạn chế trong dịp Giáng sinh từ 23/12 đến 1/1/2021, cho phép tụ tập tối đa 10 người để gia đình và bạn bè có thể tận hưởng kỳ nghỉ lễ cùng nhau.

Nga, vùng dịch lớn thứ 4 thế giới, ghi nhận thêm 27.100 ca nhiễm nCoV và 510 người chết trong vòng 24 giờ, nâng tổng số lên lần lượt 2.242.633 và 39.068.

Điện Kremlin cho biết hệ thống y tế của nước này đang chịu áp lực lớn, nhưng tình hình vẫn nằm trong tầm kiểm soát ngoại trừ một số khu vực. Nga không áp đặt biện pháp phong tỏa toàn quốc mà tập trung vào các biện pháp hạn chế theo từng khu vực.

Tổng thống Vladimir Putin ngày 21/11 cho biết Nga sẵn sàng phân phối vaccine Sputnik V cho các nước khác. Theo phân tích lần thứ hai về dữ liệu thử nghiệm lâm sàng, Sputnik V đã đạt hiệu quả 95%.

Các nhà phát triển cho biết vaccine hai liều Sputnik V dự kiến có giá dưới 10 USD trên thị trường quốc tế và miễn phí cho công dân Nga. Nhiệt độ bảo quản vaccine là 2-8 độ C, cao hơn so với một số loại vaccine khác.

Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu thông báo quân đội Nga đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng hàng loạt với mục tiêu tiêm vaccine cho 400.000 quân nhân.

Iran, vùng dịch lớn nhất Trung Đông, báo cáo 47.486 người chết, tăng 391, trong tổng số 935.799 ca nhiễm, tăng 13.402. Số ca nhiễm và tử vong vì nCoV ở Iran có xu hướng tăng mạnh kể từ đầu tháng 9, với tình trạng gia tăng được báo cáo tại gần như toàn bộ 31 tỉnh.

Giới chức Iran thừa nhận số liệu chính thức dường như thấp hơn so với mức độ nghiêm trọng của đại dịch ở nước này. Từ 21/11, Iran áp đặt hạn chế chống dịch mới, bao gồm đóng cửa các hộ kinh doanh và dịch vụ không thiết yếu tại thủ đô Tehran và khoảng 160 thành phố và thị trấn được xác định nguy cơ ở mức "đỏ".

Ô tô sẽ không được phép rời khỏi hoặc đi vào các thành phố "đỏ" và các quy định hạn chế lái xe khác sẽ được áp dụng nhằm khuyến khích mọi người ở nhà. Các hạn chế nhẹ hơn sẽ được áp dụng cho các khu vực "cam" và "vàng" có rủi ro thấp hơn. Truyền thông nhà nước cho biết các hạn chế sẽ kéo dài ít nhất hai tuần.

Sau một thời gian ổn định, Hàn Quốc ghi nhận ca nhiễm hàng ngày cao nhất kể từ tháng ba, làm dấy lên lo ngại về một làn sóng lớn thứ ba. Nước này báo cáo thêm 488 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn quốc lên 33.375, trong đó 522 trường hợp tử vong, tăng 6 ca.

Hàn Quốc hôm 19/11 thắt chặt các hướng dẫn ngăn chặn Covid-19 trước thềm kỳ thi tuyển sinh đại học dự kiến diễn ra vào ngày 3/12. Quán bar, câu lạc bộ đêm, các cơ sở tôn giáo và sự kiện thể thao vẫn được phép hoạt động nhưng phải giới hạn lượng người tham dự.

Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 527.999 ca nhiễm, tăng 5.418, trong đó 16.646 người chết, tăng 125.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo hồi giữa tháng 11 thông báo nước này dự định tiêm chủng hàng loạt cho nhân viên y tế và các nhân viên trên tuyến đầu khác từ tháng 12, nhằm kiềm chế dịch bệnh và hỗ trợ phục hồi kinh tế. Indonesia sẽ sử dụng một số loại vaccine Covid-19 tiềm tăng như Sinovac của Trung Quốc.

Philippines báo cáo 427.797 ca nhiễm và 8.333 ca tử vong, tăng lần lượt 1.893 và 79 ca, là vùng dịch lớn thứ hai khu vực.

Tình hình dịch tại Philippines gần đây được cải thiện. Tổng thống Rodrigo Duterte ngày 21/11 chấm dứt lệnh cấm nhân viên y tế ra nước ngoài, mở đường cho y tá nước này nhận việc ở nước ngoài. Năm 2019, gần 17.000 y tá Philippines đã ký hợp đồng làm việc ở nước ngoài.

Tuy nhiên, để đảm bảo Philippines có đủ nhân viên y tế nhằm tiếp tục chiến đấu với đại dịch, chỉ 5.000 nhân viên y tế được phép rời đi trong năm.

Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật về Covid-19 của WHO ngày 27/11 nói rằng ngay cả khi các quốc gia ghi nhận ca Covid-19 mới giảm, họ vẫn cần phải cảnh giác. "Điều chúng tôi không muốn thấy là tình huống mà các bạn chuyển từ trạng thái phong tỏa để kiểm soát virus rồi lại phải tiến hành một đợt phong tỏa khác", Kerkhove nói.

https://vnexpress.net/

Nguyễn Tiến (Theo AFP, Reuters)


Mỗi ngày môt tin, có những tin vui, bên cạnh đó cũng có những tin buồn, đau thương...Lời Chúa hôm nay mời gọi con luôn tỉnh thức và cầu nguyện để con cảm nhận được sự hiện diện và tình yêu thương quan phòng của Chúa ngay cả trong những đau thương, buồn chán của cuộc đời.



“Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn” (Lc 21,36)





Tốc độ lây lan Covid-19 'chưa từng có' gây lo ngại ở Hàn Quốc

 Hàn Quốc ngày thứ ba liên tiếp báo cáo hơn 500 ca nhiễm mới, tốc độ lây lan chưa từng có từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại nước này.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc hôm nay cho biết nước này ghi nhận 504 ca nhiễm nCoV mới, đưa tổng số ca nhiễm cả nước lên 33.375, trong đó 522 người đã chết. Số ca nhiễm mới tại Hàn Quốc hôm 26/11 lên tới 583, cao nhất kể từ ngày 6/3, thời điểm đất nước quay cuồng vì Covid-19 và là một trong những vùng dịch lớn nhất thế giới.

Khoảng 330 ca nhiễm mới đến từ khu vực đô thị Seoul đông dân cư, nơi sinh sống của khoảng một nửa trong số 51 triệu dân của Hàn Quốc. Nhân viên y tế tại đây đang phải vật lộn để ngăn chặn các ca lây nhiễm liên quan đến bệnh viện, trường học, phòng tắm hơi, phòng tập thể hình và các đơn vị quân đội.




Các ca nhiễm cũng được báo cáo tại các thành phố lớn khác, gồm Daegu, trung tâm đợt bùng phát lớn tại Hàn Quốc hồi cuối tháng 2 và tháng 3.

"Tình hình vô cùng nghiêm trọng và cấp bách. Toàn bộ 17 thành phố lớn và các tỉnh, đặc biệt là tất cả 25 quận ở thủ đô Seoul đều đang ghi nhận ca nhiễm mới", Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun phát biểu trong cuộc họp báo về Covid-19 hôm qua.

Sự gia tăng đột biến ca nhiễm xảy ra sau khi chính phủ nới lỏng các hạn chế về giãn cách xã hội xuống mức thấp nhất hồi tháng 10 để hồi phục nền kinh tế yếu kém, cho phép các địa điểm có nguy cơ cao như hộp đêm, quán karaoke mở cửa trở lại và khán giả được đến sân xem thi đấu các môn thể thao.

Giới chức cho biết làn sóng lây nhiễm mới khó truy vết và ngăn chặn hơn so với những đợt bùng phát ban đầu, vốn chỉ tập trung ở một khu vực cụ thể hoặc trong cộng đồng tôn giáo nhất định. Thủ tướng Chung cảnh báo nếu tình trạng virus lây lan không được kiểm soát, số ca nhiễm mới hàng ngày có thể lên đến 1.000, dẫn đến nguy cơ thiếu giường bệnh.

Chính phủ Hàn Quốc tuần này đã tái áp đặt các quy tắc giãn cách xã hội nghiêm ngặt tại Seoul và những khu vực lân cận, hạn chế việc dùng bữa tại nhà hàng và quán cà phê, các hoạt động tôn giáo và dịch vụ giải trí buổi tối. Giới chức có thể buộc phải dừng thêm các hoạt động kinh tế nếu tốc độ lây lan không chậm lại.

Giới chuyên gia nhận định tâm lý mệt mỏi vì đại dịch là một yếu tố quan trọng dẫn đến sự xuất hiện của làn sóng Covid-19 thứ ba tại một số quốc gia châu Á. Thứ trưởng Y tế Hàn Quốc Kang Do-tae còn nêu ba nguyên nhân khác khiến nCoV lây lan mạnh hơn, bao gồm các ca nhiễm không triệu chứng, sự lây truyền trong cộng đồng người trẻ tuổi và thời tiết lạnh hơn, khiến virus phát triển mạnh vì người dân tăng cường hoạt động trong nhà.

https://vnexpress.net/

Huyền Lê (Theo AP)



Những sự kiện, biến cố xảy ra liên tiếp trong năm đã làm cho con tỉnh giấc, ý thức hơn về những điều con làm nhưng cũng có lúc con sống chưa ý thức. Xin Chúa giúp con luôn dõi theo Chúa trong từng việc con làm để con luôn chuấn bị và sẵn sàng cho ngày Chúa đến với con.



" Hãy canh thức và cầu nguyện luôn". ( Lc 21,36)







Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2020

Những người Mỹ vẫn tin Trump chiến thắng

 Nhiều người ủng hộ Tổng thống Trump vẫn tin rằng cuộc bầu cử có gian lận và ông sẽ giành lại được chiến thắng, tiếp tục nắm quyền nhiệm kỳ hai.

Dù mỗi ngày qua đi, nỗ lực thách thức kết quả bầu cử của Tổng thống Donald Trump lại đón nhận thêm tin xấu, nhiều người ủng hộ ông vẫn không từ bỏ hy vọng mong manh, từ chối công nhận chiến thắng dành cho ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden.

Một số người, như Jonathan Serrano, một nhà khởi nghiệp đến từ Chicago, bang Illinois, tin rằng Trump không nên thừa nhận thất bại cho đến khi tất cả các bang xác nhận kết quả bầu cử, phá vỡ truyền thống nhận thua mà các đời tổng thống Mỹ duy trì từ năm 1896 đến nay.


"Ông ấy chỉ nên nhận thua khi kết quả bầu cử chính thức được công bố. Biden mới 'được cho là' tổng thống đắc cử, chưa phải là Tổng thống đắc cử chính thức. Người ta tin ông ấy chiến thắng chỉ vì truyền thông xướng tên ông ấy là người thắng", Serrano nói.

Dylan Martin, chuyên gia về truyền thông tại California, nhận định Tổng thống Trump hoàn toàn có quyền thách thức kết quả bầu cử tại tòa án và truyền thông không có quyền quyết định ai là tổng thống đắc cử.

Nhưng trong lịch sử chính trị Mỹ hiện đại, các hãng tin quốc gia có truyền thống "xướng tên" tổng thống đắc cử dựa trên những dữ liệu kiểm phiếu được công bố và kết quả phân tích, thăm dò do họ tiến hành. Các ứng viên tổng thống trước đây cũng đều dựa vào tuyên bố của truyền thông để xác định xem họ là người thắng hay thua cuộc bầu cử, bao gồm cả Trump hồi năm 2016.

4 năm trước, Trump đã tuyên bố chiến thắng không lâu sau khi các hãng tin xướng tên ông vào đêm bầu cử. Đối thủ Hillary Clinton ngay sau đó cũng phát biểu nhận thua và gọi điện chúc mừng Trump.

"Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ cuộc chiến pháp lý của Tổng thống Trump. Al Gore từng có hơn 30 ngày thách thức kết quả bầu cử năm 2000. Vì thế, đảng Dân chủ và giới truyền thông nên dành cho Tổng thống Trump đặc quyền tương tự. Liệu các vụ kiện của ông ấy có thể thay đổi kết quả bầu cử hay không không phải vấn đề chính", Martin bình luận.

Năm 2000, tranh cãi nảy sinh tại bang là Florida, nơi ứng viên đảng Dân chủ Al Gore để thua ứng viên đảng Cộng hòa George W Bush với cách biệt 537 phiếu sau khi Tòa án Tối cao tạm dừng kiểm phiếu tại đây. 25 đại cử tri Florida đã giúp định đoạt thắng lợi dành cho Bush. Nhưng trong cuộc bầu cử năm nay, Trump cần lật ngược kết quả tại ít nhất ba bang với 38 phiếu đại cử tri mới đủ lấy lại chiến thắng từ tay Biden.

"Chiến dịch của Trump đã nộp hàng trăm bản khai có tuyên thệ cáo buộc về hành vi gian lận và bất thường trong cuộc bầu cử. Việc truyền thông không đưa tin về thực tế rằng đã có những bằng chứng được phát hiện, hay họ thậm chí đi xa đến mức nói rằng những tuyên bố Trump đưa ra hoàn toàn vô căn cứ, là hành vi sai trái của báo chí", Martin nhấn mạnh.

Tuy nhiên, chiến dịch pháp lý của Trump đến nay chưa trình ra tòa án bằng chứng về gian lận bầu cử trên diện rộng, ngoài bản khai có tuyên thệ của các nhân chứng, vốn không được coi là bằng chứng thuyết phục tại tòa. Tính đến ngày 23/11, các thẩm phán liên bang đã bác ít nhất 25 trong 36 đơn kiện được đội ngũ pháp lý của Trump nộp tại các bang chiến trường quan trọng.

"Tổng thống Trump xứng đáng được hưởng một quy trình bầu cử công bằng, đúng luật và đúng trật tự, thứ mà chúng ta đang không được chứng kiến", Stefanie Mingari, thành viên Câu lạc bộ đảng Cộng hòa vùng Tây Bắc ở Chicago, Illinois, nói. "Mỗi ngày qua đi, chúng ta lại chứng kiến thêm những hành vi gian lận và sự bất công. Cuộc bầu cử này là một nỗi xấu hổ, tính toàn vẹn của nước Mỹ đang lâm nguy".

Mingari tin rằng cách tốt nhất hiện nay là đảm bảo mọi phiếu bầu hợp pháp đều được tính, ngoại trừ các "phiếu bầu đến muộn".

Nhưng trong mắt các thẩm phán liên bang, những lá phiếu qua thư được cho là "đến muộn" này hoàn toàn hợp pháp, theo luật bầu cử được từng bang quy định.

Trong một tuyên bố nhân danh tổ chức của mình, Betsy Mahan, chủ tịch đảng Cộng hòa hạt Sacramento ở California, lưu ý rằng không nên coi thường những cáo buộc liên quan đến gian lận bầu cử dù chúng chưa được chứng minh. "Có quá nhiều bất thường trong cuộc bỏ phiếu đã bị bỏ qua. Chúng tôi ủng hộ các nỗ lực pháp lý nhằm xác định xem liệu có bất kỳ hoạt động gian lận nào trong cuộc bầu cử này hay không và sẽ chấp nhận kết quả sau khi tòa án hoặc quốc hội quyết định người chiến thắng", bà cho hay.

Gabe Hartwig, chủ tịch tổ chức Đảng viên Cộng hòa Trẻ Atlanta, chỉ công nhận Biden là "người có khả năng chiến thắng trong cuộc bầu cử của đại cử tri".

Theo Hartwig, Tổng thống Trump "có quyền trình lên tòa án bất kỳ bằng chứng nào về gian lận bầu cử mà đội ngũ pháp lý của ông đã phát hiện". Nếu không có bằng chứng đáng tin cậy nào được đưa ra, kết quả của đại cử tri đoàn nên được giữ nguyên.

Trong lúc quá trình chuyển giao quyền lực tổng thống đang được tiến hành, những người ủng hộ Trump hiện bị chia rẽ về những gì sẽ diễn ra sau khi Biden tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1/2021.

Serrano hy vọng sẽ nhìn thấy một cuộc chuyển giao quyền lực yên bình hoặc tốt hơn hết là Tổng thống Trump có thể tiếp tục đảm nhận một nhiệm kỳ nữa.

Với Jack Patton, một cư dân thành phố New York, chủ tịch nhóm Cộng hòa Đại học Nam California, Biden là tổng thống kế tiếp và anh muốn "nhìn thấy cả hai đảng phối hợp với nhau chặt chẽ hơn".

Hartwig lại nhìn thấy "ánh sáng cuối đường hầm" trong kết quả bầu cử năm nay.

"Nếu gạt cuộc đua tổng thống sang một bên, cuộc bầu cử ngày 3/11 là điều tuyệt vời đối với các đảng viên Cộng hòa. Chúng ta đã mở rộng liên minh với nhóm cử tri da màu và cử tri gốc Tây Ban Nha, giành lại một số ghế tại Hạ viện, kiểm soát lại các nghị viện bang và có khả năng vẫn giữ được quyền kiểm soát Thượng viện", anh chia sẻ.

Quyền kiểm soát Thượng viện sẽ được quyết định bởi kết quả của hai cuộc đua giành ghế thượng nghị sĩ tại Georgia vào ngày 5/1. Nếu đảng Cộng hòa chỉ thắng một trong hai ghế, họ sẽ giữ thành công thế đa số tại Thượng viện.

Mingari thì vẫn lạc quan rằng Tổng thống Trump sẽ tìm được đường giành lại chiến thắng. "Tôi mong Tổng thống Trump sẽ tái đắc cử và tất cả những ai đang cố gắng hủy hoại quy trình bầu cử của chúng ta bằng hành vi gian lận và lừa dối cử tri sẽ phải chịu trách nhiệm", cô nói.


https://vnexpress.net/

Vũ Hoàng (Theo Al Jazeera)


Những ước mơ, nguyện vọng, ưu tư sẽ luôn đeo bám con người khi con người còn ở trên thế gian này. Khi qua một thế giới khác, con người chỉ có một ước mong duy nhất là được ở với Chúa. Tin Mừng hôm nay Chúa nói với con: mọi sự sẽ qua đi nhưng Lời Thầy nói sẽ không qua đi. Xin Chúa giúp con được mãi ở với Chúa và kết hiệp mãi với Ngài bằng cách lắng nghe Lời Ngài và thi hành mỗi ngày.



"Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu".

( Lc 21,33)




Thứ Năm, 26 tháng 11, 2020

'Ăn nhậu và hát karaoke vì không còn lựa chọn nào khác'

 Một cặp vợ chồng thu nhập 20 triệu mỗi tháng không đi xem kịch, nghe nhạc hay chơi cờ vì họ có quá nhiều thứ phải lo.

Tôi là một nạn nhân thường xuyên của trò ăn nhậu và hát karaoke kinh khủng vì xung quanh nhà tôi có đến ba quán nhậu.

Từ thứ hai đến chủ nhật, tối nào cũng ồn ào và náo nhiệt. Từ lúc những quán nhậu đó mọc lên, chỉ có hai tháng trong mùa Covid của năm nay, khi lệnh giãn cách xã hội được thực thi và quán nhậu đóng cửa, tôi mới tìm được sự bình yên.

Lời nhận xét người Việt thích karaoke vì giải trí nghèo nàn có phần đúng và chưa đúng. Số đông người Việt không mặn mà với các loại hình giải trí khác như đọc sách, xem phim, nghe kịch...xuất phát từ nguyên nhân thu nhập chưa cao.

Tôi hoàn toàn không có ý đổ lỗi cho cái nghèo, nhưng sự thực là thế. Mức thu nhập và chất lượng cuộc sống của người Việt đã nâng cao đáng kể so với cách đây vài chục năm. Nhưng chỉ bằng 40% mức trung bình toàn cầu, theo số liệu của Ngân hàng thế giới đưa ra năm 2019.




https://vnexpress.net/
Hải Minh


Sự lựa chọn đôi khi phụ thuộc vào sở thích và thói quen của con người. Nhiều khi tôi tự nghĩ tại sao mình lại không chọn những điều tốt đẹp hơn?. Phải chăng nó đòi hỏi tôi phải từ bỏ một điều gì đó...Xin Chúa giúp con trung thành phụng sự Chúa, và tận dụng thời giờ của mình hiện giờ trong sự ý thức về việc Chúa sẽ trở lại. 




"Anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.” (Lc 21,28)








Thứ Tư, 25 tháng 11, 2020

Trump lo bị nhóm luật sư làm mất mặt

 

Dù ca ngợi đội ngũ pháp lý trên truyền thông, Trump được cho là rất thất vọng với màn thể hiện tệ hại của họ trong cuộc chiến bầu cử.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phàn nàn với các trợ lý và đồng minh về luật sư riêng Rudy Giulinani, cùng luật sư vừa bị sa thải Sidney Powell, sau màn thể hiện của họ tại cuộc họp báo ở trụ sở Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa tuần trước, các nguồn tin giấu tên am hiểu vấn đề hôm nay cho biết.

Một nguồn tin nói rằng Trump lo ngại đội ngũ "bao gồm những kẻ ngu ngốc" đang khiến hình ảnh của ông xấu đi. Cả Giuliani và Powell trong cuộc họp báo hôm 19/11 đều thúc đẩy những giả thuyết và tuyên bố về tình trạng gian lận bầu cử trên diện rộng nhưng không đưa ra bằng chứng nào.


Theo bà Powell, Trump thất cử là do sự can thiệp của Venezuela, Cuba, Quỹ Clinton, tỷ phú George Soros và Antifa, một phong trào chống phát xít cực tả. Giuliani bổ sung thêm rằng các nhà hoạt động thuộc phong trào "Mạng sống người da màu quan trọng" cũng liên quan đến sự việc.

Tuy nhiên, nữ luật sư phúc thẩm từ Texas còn đưa mọi chuyện đi xa hơn khi cáo buộc Thống đốc bang Georgia Brian Kemp và Tổng thư ký Georgia Brad Raffensperger, hai đảng viên Cộng hòa, cũng là một phần của âm mưu thay đổi kết quả bầu cử. Bình luận này được cho là nguyên nhân khiến chiến dịch của Trump ra thông báo rằng bà Powell "đang tự hành nghề, không phải thành viên nhóm pháp lý của Trump, cũng không đại diện cho Tổng thống".

Một trong các nguồn tin tiết lộ Trump còn không hài lòng với mái tóc chảy màu khi Giuliani vã mồ hôi trong cuộc họp báo kéo dài hai giờ, được cho là do thuốc nhuộm tóc kém chất lượng, hoặc mascara hay bút chấm tóc. Các đồng minh cũng khó chịu với chiến lược pháp lý thiếu tổ chức và đã phàn nàn với Nhà Trắng, vài nguồn tin thân cận với Tổng thống cho hay.

Giuliani được giao trọng trách dẫn đầu nỗ lực pháp lý nhằm thách thức kết quả bầu cử được Trump và đội ngũ luật sư phát động tại 6 bang, dù kết quả các hãng tin công bố cho thấy ông kém xa Tổng thống đắc cử Joe Biden cả về phiếu phổ thông và đại cử tri.

Giám đốc Cơ quan Dịch vụ Công Emily Murphy hôm 23/11 viết thư thông báo cho Biden rằng bà sẽ chuyển giao các nguồn lực và dịch vụ cho ông, đánh dấu bước đầu tiên cho thấy chính quyền Mỹ đã công nhận thất bại của Trump. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ tuyên bố việc này không liên quan đến các vụ kiện và ông sẽ "không bao giờ nhượng bộ".

https://vnexpress.net/

Ánh Ngọc (Theo NBC, NY Times)


Trong sự cùng cực của cuộc sống, con thường hay hoang mang, căng thẳng...vì không biết mình sẽ sống như thế nào đây, mình sẽ nói gì, làm gì. Hôm nay Chúa mời con cùng với Chúa bước đi trong những cái khốn cùng đó để làm chứng cho Chúa. xin Chúa tăng thêm lòng tin, lòng cậy, lòng mến trong con.


"Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu".

(Lc 21,18)




Thứ Hai, 23 tháng 11, 2020

Cha mẹ nên làm gì khi con nghiện điện thoại?

 HÀ NỘIVừa về đến nhà sau buổi học, Nguyễn Thu Hà, 8 tuổi, cởi vội giầy, vứt cặp xuống đất, chạy vào vòi mẹ: "Cho con điện thoại".

Cảnh tượng trên diễn ra mọi ngày trong căn hộ ở một chung cư thuộc quận Thanh Xuân. Cầm điện thoại thông minh trên tay, cô bé mải mê xem các đoạn video và chơi game đến nỗi không nghe thấy tiếng gọi ăn cơm của mẹ, người lớn nặng lời mới phụng phịu bỏ chiếc máy xuống.

Để mau chóng ra chơi điện thoại tiếp, Hà cố ăn thật nhanh "như thể chỉ nuốt chứ không nhai", nhiều hôm chỉ năm phút là xong bữa. Đứng dậy, cô bé tám tuổi không dọn bát đũa như lời bố mẹ dặn mà bỏ lại trên bàn, vội vàng chạy đến chiếc smartphone. Bố mẹ giục đi tắm, Hà cũng kỳ kèo: "Cho con chơi 5 phút nữa thôi" nhưng lần nào, "5 phút" ấy cũng kéo thành nửa tiếng.

Tổng cộng thời gian sử dụng thiết bị điện tử của Hà lên tới 3- 4 tiếng mỗi ngày, cuối tuần còn nhiều hơn, vượt xa mức khuyến cáo của các chuyên gia y tế là tối đa hai tiếng mỗi ngày với trẻ 2-10 tuổi. Sợ con "nghiện" điện thoại, mẹ Hà là chị Trần Minh Thúy giảng giải cho con rằng sử dụng quá nhiều thiết bị điện tử không tốt, thậm chí đưa cô bé đọc những bài báo viết về mặt trái của smartphone. "Chuyện đó chỉ có ở nước ngoài", Hà cãi.

Chị Thúy cố gắng đưa con đi tập thể dục nhưng chỉ chạy bộ được 10 phút, Hà đã than mệt, đòi về. Ra công viên, cô bé cũng không ngắm cảnh mà "chăm chăm lục điện thoại trong người bố mẹ". Không biết làm thế nào, chị Thúy đến xin lời khuyên của Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Thành Nam, chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Thu Hà không phải trường hợp trẻ "nghiện" điện thoại duy nhất ông Nam từng gặp. Thực tế, tình trạng trẻ bị phụ thuộc thiết bị điện tử, bao gồm điện thoại, máy tính bảng và tivi rất phổ biến.

Theo ông Nam, có hai nguyên nhân chính khiến trẻ nhỏ "nghiện" thiết bị điện tử. Thứ nhất, con cảm thấy cuộc sống thực không thú vị bằng những cái con xem trên điện thoại. Thứ hai, con thiếu kỹ năng.

"Muốn thấy cuộc sống thực thú vị thì phải có kỹ năng", vị phó giáo sư phân tích. "Ví dụ, nếu chỉ nghe bản nhạc Phiên chợ Ba Tư, trẻ chỉ thấy vui tai. Để thấy thú vị đến mức bỏ điện thoại xuống, trẻ phải hiểu được bối cảnh, câu chuyện đang diễn ra trong bản nhạc".

Đôi lúc, chính bố mẹ cũng góp phần làm con "nghiện" điện thoại. "Khi đứa trẻ tập trung vào thiết bị điện tử, người lớn thoải mái vì không bị làm phiền", chuyên gia nói thêm.


Ông Nam khẳng định ngày nay, phụ huynh không nên cấm con sử dụng thiết bị điện tử. Một đứa trẻ, nhất là từ 10 tuổi trở xuống, luôn luôn phải làm điều gì đó, nếu không sẽ khó phát triển trí thông minh. Chưa kể, trong giai đoạn Covid-19, trẻ biết dùng thiết bị điện tử để tham gia các hoạt động trên mạng xã hội ít bị cô đơn, lo âu, trầm cảm hơn những em hoàn toàn tránh xa smartphone. Vấn đề ở chỗ bố mẹ cần biết cách giúp con cân bằng giữa cuộc sống thực và thời gian sử dụng điện thoại.

Ông Nam gợi ý, bố mẹ có thể cho con một thời lượng chơi "miễn phí" và mở ra cơ hội "thưởng thêm". Ví dụ, trường hợp của bé Hà, chị Thúy có thể cho con chơi 1,5 tiếng "miễn phí" và mỗi việc nhà con giúp bố mẹ sẽ được quy đổi thành 15 phút dùng điện thoại. Tuy nhiên, chỉ cho con quy đổi tối đa hai lần một ngày. Lưu ý, phụ huynh nên sử dụng các ứng dụng tính giờ, kết thúc thời gian chơi điện thoại theo thỏa thuận là tự động khóa thiết bị để đảm bảo tính khách quan và công bằng.

Sau khi thiết lập nguyên tắc dùng điện thoại ở nhà, người lớn cần dành thời gian ở bên con, hướng dẫn con các kỹ năng và hoạt động mới. "Muốn trẻ thích cái gì thì bố mẹ phải dạy con", phó giáo sư Nam nhấn mạnh. "Như khi nghe bản nhạc Phiên chợ Ba Tư, bố mẹ hãy giải thích cho con đoạn nào là tiếng bước chân lạc đà, đoạn nào là công chúa bước vào".

Bên cạnh đó, bố mẹ không nên lấy những điều mình muốn con làm tốt trở thành hình phạt với trẻ, ví dụ khi con bị điểm kém thì bắt con luyện viết chữ. "Đừng để trẻ ghép cặp bị phạt - đánh đàn, bị phạt - luyện viết bởi con sẽ mất hứng thú, ngày càng không thích mọi thứ xung quanh", chuyên gia khuyến cáo.

Bố mẹ cũng đừng tiếc lời khen với con. Khi thấy trẻ làm tốt điều gì đó, phụ huynh hãy đến tận nơi, vừa nhìn vào mắt trẻ vừa khen một cách cụ thể, khen xong có động chạm như ôm hoặc vỗ vai con. Như vậy, trẻ sẽ được khuyến khích lặp lại những hành động tốt ấy.

"Chúng ta có xu hướng thích làm những gì khiến mình vui. Đứa trẻ sẽ sẵn sàng nhận những việc khó nếu như nhận được sự chú ý và lời khen", ông Nam nói.

https://vnexpress.net/

Minh Trang

Sự phát triển của công nghệ thông tin đem lại rất nhiều thuận lợi cho người dùng. Bên cạnh đó cũng có những khía cạnh bất lợi nếu con người sử dụng không đúng cách. Lời Chúa hôm nay mời gọi con sống sự từ bỏ một sở thích không tốt, một lời nói, một cử chỉ không đẹp... để làm nhân chứng cho Chúa ngay trong môi trường con hiện diện.



"Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy". 

(Lc 9,24)





CHƯA HỀ CÓ AI NÓI NĂNG NHƯ NGƯỜI ẤY

  Ông  Ni-cô- đê -mô nói với họ:  “Lề Luật của chúng ta có cho phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không?     (G...