Thứ Tư, 30 tháng 12, 2020

Rạn nứt 'phủ băng' quan hệ Trung - Ấn 2020

 Một trong những sự kiện nổi bật trong năm 2020 ở châu Á là cuộc đụng độ giữa Trung Quốc và Ấn Độ tại thung lũng Galwan, vùng Ladakh, nơi cả hai đều tuyên bố chủ quyền hồi tháng 6. 20 lính Ấn Độ thiệt mạng trong khi Trung Quốc không xác nhận thương vong ở phía mình. Đây là lần đụng độ gây chết người đầu tiên ở biên giới hai nước kể từ năm 1975. Sự kiện này đã định hình mối quan hệ giữa hai "ông lớn" châu Á trong năm qua.


"Quan hệ Trung - Ấn đã rẽ sang bước ngoặt nguy hiểm sau cuộc đụng độ biên giới. Nó khiến Ấn Độ phải suy nghĩ lại và điều chỉnh lại chiến lược của mình đối với Trung Quốc", Purnendra Jain, giáo sư về Nghiên cứu châu Á tại Đại học Adelaide, Australia, nói với VnExpress. Ông cho biết không chỉ dư luận ở Ấn Độ trở nên tiêu cực về Trung Quốc mà nhiều người từng ủng hộ xích lại gần Bắc Kinh giờ chuyển sang thúc đẩy lập trường cứng rắn hơn.

"Quan hệ Trung - Ấn đã được viết lại hoàn toàn sau đụng độ ở Ladakh", Salvatore Babones, phó giáo sư tại Đại học Sydney, nhận định.

Manoj Joshi, chuyên gia quan hệ Ấn - Trung, tại Quỹ Nghiên cứu Quan sát viên (ORF) ở New Delhi, cho rằng "Ấn Độ coi cuộc đụng độ là sự phản bội quá trình bình thường hóa được khởi xướng từ năm 1993", nhắc đến năm hai nước thiết lập thỏa thuận duy trì hòa bình ở các vùng biên giới.

Trong khi đó, Yun Sun, giám đốc Chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson ở Washington, cho rằng cách nhìn của Ấn Độ về Trung Quốc đã thay đổi nhiều hơn cách nhìn của Trung Quốc về Ấn Độ sau cuộc đụng độ biên giới. "Trung Quốc vốn luôn nghi ngờ nhiều về ý định và chiến lược của Ấn Độ, vì vậy, đối với Trung Quốc, không có nhiều mất mát về tình cảm. Nhưng cảm giác tổn thương vì cảm thấy như bị phản bội dường như rõ ràng hơn ở phía Ấn Độ", bà nói.

Srikanth Kondapalli, giáo sư về nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Á thuộc Đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi, chỉ ra hiện không có cuộc họp thường xuyên nào giữa hai nước ngoại trừ việc tìm cách bình thường hóa tình hình ở biên giới và căng thẳng biên giới đã lan sang những mặt khác của quan hệ song phương.

Ấn Độ đã cấm hơn 200 ứng dụng Trung Quốc với cáo buộc gây phương hại chủ quyền và bảo mật dữ liệu. Ấn Độ cũng áp hạn chế đối với các khoản đầu tư của Trung Quốc vào các dự án cơ sở hạ tầng. New Delhi đã cho ngừng hoạt động các Viện Khổng Tử và đưa ra hạn chế thị thực đối với công dân Trung Quốc (đã được dỡ bỏ gần đây).

Sukh Deo Muni, giáo sư danh dự tại Đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi, chỉ ra rằng Ấn Độ đã quyết định giảm phụ thuộc vào hàng nhập khẩu Trung Quốc. Hợp tác 5G gần như bị đóng băng. Ấn Độ cũng phải điều chỉnh lại quan hệ với các nước láng giềng nhỏ hơn như Nepal, Sri Lanka, Maldives và Bangladesh để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

"Không loại trừ khả năng có thêm những hành động trả đũa về thương mại và công nghệ nếu tình trạng bế tắc hiện tại vẫn tiếp diễn", Jain nói.

Trong bối cảnh quan hệ Ấn - Trung và Mỹ - Trung xấu đi, giới chuyên gia cho rằng Ấn Độ có xu hướng xích lại gần Mỹ, củng cố Đối thoại An ninh Bộ Tứ (Quad), diễn đàn chiến lược không chính thức của Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ. Mặc dù không phải là liên minh quân sự chính thức như NATO, Quad được nhiều người coi là đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương.

Muni nhắc đến việc hồi tháng 10 Mỹ - Ấn ký kết Thỏa thuận Hợp tác và trao đổi cơ bản (BECA), tạo điều kiện cho việc chia sẻ công nghệ quân sự cao cấp, bản đồ không gian địa lý và dữ liệu vệ tinh nhạy cảm giữa quân đội của hai nước, giúp nâng cao khả năng hoạt động chính xác của tên lửa và máy bay không người lái.

"Sự gần gũi chiến lược của Ấn Độ với Mỹ và các đồng minh như Nhật Bản và Australia vốn tăng cường từ trước khi xảy ra đụng độ biên giới. Nhưng kể từ sau cuộc đụng độ, Ấn Độ đã xích lại gần những nước này hơn nhiều trong các vấn đề quốc phòng và an ninh. Ấn Độ cũng đang ủng hộ Quad rõ ràng hơn, mặc dù họ tiếp tục duy trì quan điểm rằng Quad không chống lại Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào khác và đây không phải là một nhóm quân sự", Muni nói.

Jain đánh giá việc Ấn Độ mời Australia tham gia tập trận Malabar là dấu hiệu rõ ràng về việc New Delhi thúc đẩy quan hệ đối tác với các nước quan ngại về Trung Quốc. Cuộc tập trận Malabar đầu tiên được tiến hành từ năm 1992 giữa hai nước Ấn Độ và Mỹ. Đến năm 2015, có thêm Nhật Bản với tư cách thành viên thường trực. 2020 là năm đầu tiên hải quân Australia tham gia.

"Quan hệ quốc phòng Mỹ - Ấn đang nhanh chóng mở rộng, đồng thời Ấn Độ đang củng cố quan hệ đối tác với Nga và Pháp. Ấn Độ cũng đang tìm cách tăng cường quan hệ khu vực với các nước ASEAN, Nhật Bản hay Australia", Babones bình luận.

Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng tương lai quan hệ Mỹ - Ấn còn phụ thuộc vào chính sách của Biden. "Ấn Độ đã thể hiện mong muốn liên kết chặt chẽ hơn với Mỹ, nhưng còn nhiều điều chúng ta chưa rõ về chính sách với Trung Quốc của Biden", Yun Sun nói.

"Quan hệ Mỹ - Ấn đã được cải thiện kể từ những năm 2000 và nhiều khả năng Ấn Độ sẽ xích lại gần Mỹ nhiều hơn, mặc dù tình hình có thể không dễ dàng dưới thời Biden như dưới thời Trump, vì Trump và Modi đã có mối quan hệ cá nhân tốt đẹp", Jain nhận xét.

Giới chuyên gia đánh giá Trung Quốc là một trong những yếu tố khiến Ấn Độ quyết định không tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), hiệp định thương mại tự do được ký kết hồi tháng 11 bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 5 quốc gia mà ASEAN đã ký kết hiệp định thương mại tự do gồm Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand.

Ấn Độ vốn có thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc và họ lo ngại về khả năng hàng hóa Trung Quốc tràn vào thị trường Ấn Độ, tạo ra sự phụ thuộc kinh tế lớn hơn. Trong khi đó, các sản phẩm của Ấn Độ có thể không được hưởng lợi nhiều từ việc tiếp cận thị trường Trung Quốc.

Kondapalli chỉ ra Ấn Độ có các Hiệp định Thương mại Tự do với ASEAN và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện với Nhật Bản và Hàn Quốc nên nước này không mất nhiều nếu không tham gia RCEP. Tuy nhiên, các quốc gia như Australia, Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á muốn Ấn Độ tham gia như đối trọng với Trung Quốc.

"Ấn Độ không tham gia RCEP vì họ tin rằng thỏa thuận này sẽ được sử dụng để bán phá giá hàng hóa Trung Quốc ở Ấn Độ, do đó ảnh hưởng đến các nhà sản xuất Ấn Độ. Ấn Độ ít khả năng tham gia RCEP, trừ khi nước này có được những đảm bảo vững chắc chống lại việc bán phá giá hàng hóa Trung Quốc", Joshi nói.

"Cánh cửa tham gia RCEP vẫn mở cho Ấn Độ, nhưng những thông điệp mà chính phủ Ấn Độ đã đưa ra cho thấy ít khả năng Ấn Độ sẽ sớm tham gia RCEP", Jain nói.

Các nhà quan sát có cái nhìn khá ảm đạm về tương lai quan hệ Trung - Ấn trong năm sau. "2021 sẽ là năm băng giá giữa Ấn Độ và Trung Quốc, tùy thuộc vào cách họ giải quyết căng thẳng biên giới", Kondapalli nói. Jain cũng chỉ ra hai bên đạt được rất ít tiến bộ về giải pháp và căng thẳng ở các khu vực biên giới vẫn ở mức cao.

Tuy nhiên, Yun Sun có cái nhìn lạc quan hơn. "Tôi nghĩ rằng vào năm 2021, chúng ta sẽ thấy mối quan hệ Ấn - Trung ổn định hơn trừ khi có bất kỳ rạn nứt đáng kể nào ở biên giới. Cả hai bên đều muốn tránh tình trạng xấu đi thêm", bà nói.

Ông Muni miêu tả quan hệ Trung - Ấn trong vài tháng tới là "chung sống đối kháng" và nhận định ngoài vấn đề biên giới, mối quan hệ còn chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài khác. "Mối quan hệ này sẽ bị ảnh hưởng bởi bất kỳ thay đổi lớn nào trong cách tiếp cận của Mỹ đối với Trung Quốc dưới thời Biden và mối quan hệ đang thay đổi của Nhật Bản dưới thời tân Thủ tướng", Muni nói.


https://vnexpress.net/

Phương Vũ

Trước một sự kiện hay một vấn đề xảy ra, chúng ta xem đó là một sự tích cực hay tiêu cực thì phụ thuộc hoàn toàn vào sự chọn lựa của mình. Lời Chúa hôm nay cho chúng ta cảm nhận rõ hơn về lòng thương xót của Thiên chúa khi Ngài mặc lấy thân phận con người, trở nên giống phàm nhân cùng đồng hành, đồng cảm với chúng ta trong  mọi nẻo đường. Xin Chúa mở lòng  con để đón nhận sự sống của Người và gia tăng tầm nhìn của con với ánh bình minh, niềm hy vọng- tín thác vào Chúa.



 "Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta." ( Ga 1,14)




Thứ Ba, 29 tháng 12, 2020

Bác sĩ phát khóc vì kiệt sức

 Tại một bệnh viện ở thủ đô London, 5h chiều, một nữ bệnh nhân 60 tuổi mắc Covid-19, đột ngột trở nặng. Trước đó, bà chống chọi với khó thở, mức oxy suy giảm.

Bác sĩ trẻ Ian (tên đã thay đổi), đang công tác ở khoa truyền nhiễm, hầu như chưa ăn uống vào ngày hôm đó, sống nhờ cà phê, luôn chân luôn tay. Khoa điều trị 55 người bệnh, dù quy mô cho phép chỉ 30.

Bệnh nhân vốn là người khỏe mạnh, còn nhiều năm cuộc đời phía trước, đột nhiên chuyển nặng.

"Người bệnh không phản ứng và phải thở máy", Ian nói. Anh chẩn đoán khả năng người phụ nữ bị đột quỵ.

"Chúng tôi đã cố gắng gọi cho chồng con của bà để thông báo - một cuộc gọi không người nào muốn nhận", anh cho biết.


Hiện tại là khoảng thời gian khó khăn nhất trong sự nghiệp bác sĩ Ian khi bệnh nhân Covid-19 nhập viện tăng cao khó lường.

"Chúng tôi có ba hoặc bốn... và đột nhiên vài tuần trước, con số bắt đầu tăng tốc. Tuần trước Giáng sinh, số lượng người mới vọt lên 30% mỗi ngày".

Ian lo sợ kiệt sức với những ngày làm việc kéo dài liên tục 12 giờ, từ 9h sáng đến 9h tối, căng thẳng tột độ với những cuộc hội chẩn, đánh giá bệnh nhân nào cần xét nghiệm, chụp MRI, ca nào cần chuyển đến khu chăm sóc đặc biệt.

Sự mệt mỏi khiến bác sĩ trở nên tê liệt, ít có khả năng đối phó với những điều bất ngờ xảy ra.

"Bạn bắt đầu cảm thấy mình kém đồng cảm hơn, phản ứng căng thẳng hơn, và biến phần còn lại của cuộc đời theo cách bất lợi, khi bạn cạn kiệt cảm xúc, trở nên khó gần", Ian nói.

Trong cuộc họp buổi tối gần đây, tiếng còi hú báo hiệu bệnh nhân đang ngừng tim. Sau đó, người này chết. Ian trở về nhà và bật khóc vì "áp lực và căng thẳng quá lớn".

"Tôi đã vật lộn 14 tiếng ở bệnh viện. Một ngày thực sự khó khăn khi bạn chứng kiến cái chết và cảm thấy ánh sáng đường hầm còn quá xa xôi", anh nói.

Ian cho biết đơn vị y tế anh đang làm việc còn có nguồn lực tương đối tốt khi giường bệnh vẫn còn. Các đồng nghiệp khác của anh đang phải đối mặt với tình trạng tồi tệ hơn.

"Ở những nơi khác, mọi thứ đã trở nên thảm khốc. Ví dụ, một đồng nghiệp của tôi nói rằng bệnh nhân phải chuyển từ phòng chăm sóc đặc biệt ở Kent đến Bristol, vì đó là bệnh viện gần nhất có thể giúp đỡ sự quá tải của cơ sở này. Tình huống này không xảy ra trong thời bình".

Anh đang là vùng dịch lớn thứ 6 thế giới, ghi nhận thêm 53.135 ca nhiễm mới và 414 trường hợp tử vong hôm 29/12.

Giới chức y tế Anh cảnh báo nước này đang "trở lại tâm bão" Covid-19, với số bệnh nhân nhập viện vượt giai đoạn cao điểm hồi tháng 4 với hơn 20.426 người bệnh nhiễm nCoV đang điều trị.

https://vnexpress.net/

Bảo Châu (Theo Guardian)


Đứng trước những biến động của toàn thế giới, chắc hẳn mọi người sẽ rất hoang mang, sợ hãi...Bài Tin Mừng hôm nay mời gọi ta vững tin và phó thác mọi sự cho Chúa, niềm hy vọng mà Thiên Chúa đặt trong chúng ta qua hồng ân Chúa Thánh Thần sẽ giúp chúng ta kiên vững với lòng tin cậy vào Thiên Chúa, ngay cả khi giáp mặt với những thử thách, trái ý, và thách đố hằng ngày xảy đến.  Xin Chúa cho con không bao giờ ngừng đặt tất cả niềm tin cậy con vào tình yêu và lòng thương xót của Chúa. 


"Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem." (Lc 2,38)





Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2020

Chồng gốc Việt kể về người vợ thập tử nhất sinh vì Covid-19

 Lấy nhau hơn chục năm, anh Phúc và vợ là chị Lương Thị Phương Mai, 38 tuổi, sinh được 3 em bé, trong đó con cả 13 tuổi, hai bé út 5 và 4 tuổi. Anh sang Mỹ sinh sống cùng gia đình đã 30 năm nay, đến năm 2010 thì đưa vợ sang cùng. Cuộc sống của họ tại thành phố Seattle, bang Washington, trôi qua êm đềm trước khi tai họa ập tới tháng trước.

Sau một lần cả gia đình đi siêu thị về, chị Mai xuất hiện triệu chứng lạnh toát người, đau nhức xương, khó thở, vị giác rồi khứu giác dần biến mất. Mặc bao nhiêu lớp áo và đắp bao nhiêu chăn cũng không thấy ấm lên, chị gọi cho đường dây cấp cứu 911. Kiểm tra sơ bộ của các nhân viên cấp cứu cho thấy nồng độ oxy trong cơ thể chị giảm mạnh.

Sáng hôm sau, anh Phúc đưa vợ nhập viện trong tình trạng nguy kịch và nhận tin sét đánh rằng chị Mai đã mắc Covid-19. Trong khi vợ được chuyển vào khoa điều trị tích cực (ICU), anh chở 3 con đi xét nghiệm và choáng váng khi cả gia đình đều có kết quả dương tính với nCoV.

"Hôm đó là ngày 24/11 và đến nay đã 3 tuần trôi qua, tôi sống mà không bằng chết", anh Phúc nói. "Từ lúc dịch bệnh bùng phát, gia đình tôi luôn tuân thủ khuyến cáo đeo khẩu trang khi ra ngoài, về đến nhà là thay quần áo, khử khuẩn, rửa thực phẩm cẩn thận. Thật sự tôi không thể ngờ được có ngày chúng tôi lại nhiễm nCoV".

Mỗi ngày, anh Phúc vừa thay vợ nấu nướng, tắm giặt, chăm các con học, vừa ngóng tin từ các bác sĩ và y tá. 4 cha con cũng phải tự cách ly, không ra đường. Mọi đồ ăn thức uống đều do bạn bè mua hộ để trước nhà. May mắn anh và 3 bé đều chỉ bị sốt nhẹ và hồi phục sau 1-2 ngày uống thuốc cảm, bổ sung vitamin C và xông thảo dược.

Mọi nỗi lo lắng lúc này dồn vào chị Mai. Từ một phụ nữ khỏe mạnh, lúc nào cũng rạng rỡ, nay chị chỉ nằm bất động trên giường bệnh trong tình trạng hôn mê, với vô số dây rợ gắn trên người.

Anh Phúc cho biết những ngày đầu nhập viện, vợ anh được bác sĩ cho dùng máy trợ thở, nhưng bệnh tình không tiến triển mà còn nặng hơn. Họ sau đó phải tiêm thuốc an thần và đặt ống nội khí quản cho chị.

Sau khoảng một tuần, các chỉ số của chị có cải thiện. Đến 4 ngày trước, khi gọi điện vào phòng ICU, anh Phúc mừng rơi nước mắt khi thấy chị mở hé mắt, nhúc nhích tay, chân, cử động chân mày.

"Tôi thở phào nhẹ nhõm, nghĩ rằng vợ mình đã thoát cửa tử", anh kể.

Tuy nhiên, niềm vui ấy chỉ kéo dài vỏn vẹn hai ngày. Từ hôm 13/12 đến nay, tình trạng của chị Mai lại trở nặng, các chỉ số xấu đi. Nồng độ oxy huyết có khi giảm còn 40%. Kết quả chụp X-quang cho thấy phổi chị trắng xóa và có một lượng dung dịch chưa xác định, buộc các bác sĩ phải dùng thuốc trợ sinh và kháng virus liều cao. Họ còn phải làm loãng máu do các loại thuốc trên có tác dụng phụ gây đông máu, làm tắc nghẽn một số mạch trên tay của chị Mai.

"Mai nằm trong đó, đối mặt với tử thần mà tôi không thể ở bên cô ấy, chỉ có thể cập nhật tình hình từ các bác sĩ", anh Phúc nói. "Vừa lo cho vợ vừa thương các con thiếu vắng mẹ, tâm trạng tôi suốt những tuần qua nặng trĩu".



Anh rất biết ơn các y tá khi thi thoảng lại giúp các bé chụp ảnh hoặc gọi video để được nhìn thấy mẹ dù chỉ vài phút qua màn hình điện thoại.

"Các bác sĩ và y tá trong ICU như những thiên thần với gia đình tôi. Họ cũng phải rời xa con cái để đối mặt với nguy hiểm khi điều trị cho các bệnh nhân Covid-19, Có những người tự tay chăm sóc các đồng nghiệp bị nhiễm bệnh rồi tự tay cho thi thể của những người thân thiết vào các những túi nilon lạnh lẽo. Tôi biết ơn vô cùng sự chăm sóc mà họ dành cho vợ tôi", anh nói.

Anh Phúc cũng rất biết ơn sự yêu thương và quan tâm mà mọi người dành cho gia đình mình sau khi câu chuyện được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Nhiều người không quen biết đã gửi quà tặng 3 con anh để động viên, thậm chí tổ chức các buổi cầu nguyện cho chị Mai vượt qua bạo bệnh.

https://vnexpress.net/

Anh Ngọc


Mọi gia đình đều đối diện với những khó khăn không kiểu này thì kiểu khác. Lời Chúa hôm nay cho chúng ta biết tuy đứng giữa biết bao đau khổ, thách đố nhưng chúng ta tin rằng chúng ta  có một Người Cha trên trời, Đấng yêu thương chúng ta và vui thích dạy chúng ta cách yêu thương nhau và cùng nhau vượt qua mọi thử thách. Xin Chúa luôn chúc lành cho gia đình con và tất cả mọi gia đình trên toàn thế giới.



"By faith Abraham, when put to the test, offered up Isaac, and he who had received the promises was ready to offer his only son". (Heb 11,17)




Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2020

Ca Covid-19 toàn cầu vượt 80 triệu, WHO kêu gọi cảnh giác trong dịp năm mới

 Thế giới đã ghi nhận hơn 80,1 triệu ca nCoV và gần 1,8 triệu ca tử vong, WHO nhấn mạnh mọi người cần tuân thủ quy định phòng dịch để sự hy sinh của nhiều người trong năm qua không biến thành "công cốc".

Thế giới ghi nhận 80.160.194 ca nhiễm và 1.756.367 người đã chết do Covid-19, tăng lần lượt 487.476 và 8.476 ca một ngày, trong khi 56.432.813 người đã bình phục, theo trang cập nhật theo thời gian thực Worldometers.


Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận thêm 122.259 ca nhiễm và 1.556 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca nhiễm lên 19.201.750, trong đó 338.195 người đã chết.

Mỹ đã đặt mua thêm 100 triệu liều vaccine Pfizer-BioNTech và hàng dự kiến được giao trước 31/7/2021, nâng tổng số liều vaccine Pfizer-BioNTech Mỹ mua lên 200 triệu, với giá trị hợp đồng gần 4 tỷ USD. Thỏa thuận mới giúp Mỹ tăng cường nguồn cung vaccine khi nước này đang đối mặt sự gia tăng ca nhiễm lớn trên toàn quốc. CDC ngày 23/12 thông báo hơn một triệu người Mỹ đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên.

Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật chi tiêu mới, gồm 900 triệu USD hỗ trợ Covid-19. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump chưa ký đự luật vì cho rằng mức hỗ trợ 600 USD/ người là quá thấp và đề nghị quốc hội nên sửa thành 2.000 USD.

Giới chức Mỹ từ 28/12 yêu cầu hành khách lên các chuyến bay từ Anh đến nước này cần trình kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành.

Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 22.350 ca nhiễm và 251 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 10.169.818 và 147.379.

Giới chức Ấn Độ thông báo đình chỉ mọi chuyến bay từ Anh từ ngày 23/12 cho đến hết ngày 31/12. Mọi hành khách đến từ Anh trước khi lệnh cấm có hiệu lực phải xét nghiệm ngay khi nhập cảnh tại sân bay. Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Harsh Vardhan khẳng định chính phủ đã chuẩn bị đối phó với chủng nCoV mới và người dân không cần hoảng loạn.

Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 456 người chết vì Covid-19, nâng tổng số ca tử vong lên 190.488. Số người nhiễm nCoV tăng 22.967 trong 24 giờ qua, lên 7.448.560.

Chính phủ Brazil dự kiến tiêm vaccine Covid-19 cho 51 triệu người, tức khoảng 1/4 dân số, trong nửa đầu năm 2021. Viện Butantan hôm 23/12 thông báo vaccine Trung Quốc CoronaVac được thử nghiệm ở nước này đã đáp ứng ngưỡng hiệu quả do cơ quan quản lý y tế Brazil Anvisa đặt ra. Tuy nhiên, Sinovac đã yêu cầu hoãn công bố dữ liệu hiệu quả chính xác trong tối đa 15 ngày trong khi công ty tổng hợp dữ liệu từ các thử nghiệm toàn cầu.

CoronaVac đã là chủ đề tranh cãi chính trị ở Brazil. Tổng thống Jair Bolsonaro gieo nghi ngờ vào loại vaccine này, mô tả nó là công cụ của Thống đốc Sao Paulo Joao Doria, người được cho là đối thủ tiềm năng của ông trong cuộc bầu cử tới, cũng như chính quyền Trung Quốc. Đáp lại, Bắc Kinh cho biết nhiều nước đã đồng ý tham gia chương trình thử nghiệm vaccine trên diện rộng của họ.

Anh ghi nhận 2.221.312 ca nhiễm và 70.195 ca tử vong, tăng lần lượt 32.725 và 570. Hàng loạt nước châu Âu và châu Á đã cấm mọi chuyến bay, hoặc siết chặt kiểm soát hành khách từ Anh sau khi phát hiện chủng nCoV mới tại nước này. Các nhà khoa học Anh tin rằng biến thể mới không gây tình trạng nghiêm trọng hơn bản gốc, song nó có khả năng lây truyền cao hơn tới 70%.

Bộ trưởng Y tế Matt Hancock ngày 23/12 cho biết Anh ghi nhận thêm một chủng nCoV mới từ Nam Phi. Bộ Y tế Nam Phi tuần trước thông báo họ phát hiện biến chủng nCoV mới ở nước này và đó có thể là nguyên nhân gây ra sự gia tăng mạnh ca nhiễm gần đây.

Ông thông báo Anh "áp lệnh hạn chế đi lại với Nam Phi ngay lập tức" và thêm nhiều khu vực ở miền đông và đông nam nước Anh được bổ sung vào danh sách chịu hạn chế Cấp 4, tương đương phong tỏa, từ ngày 26/12. Trước đó, 16 triệu dân đã chịu hạn chế Cấp 4.

Pháp, vùng dịch lớn thứ năm thế giới, ghi nhận thêm 20.262 ca nhiễm và 159 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 2.547.771 và 62.427. Phủ tổng thống Pháp hôm 24/12 cho biết Tổng thống Emmanuel Macron, người dương tính với nCoV vào hôm 17/12, đã hết triệu chứng Covid-19 và kết thúc thời gian cách ly 7 ngày.

Chính phủ Pháp cho biết họ sẽ vẫn cho phép công dân EU từ Anh vào nước này nếu có xét nghiệm âm tính với Covid-19, bất chấp việc nCoV chủng mới đang bùng lên tại Anh.

Pháp ngày 25/12 ghi nhận ca nhiễm chủng nCoV mới từ Anh đầu tiên tại nước này, là một công dân Pháp sống ở Anh. Người này từ London về nước hôm 19/12 và làm xét nghiệm tại bệnh viện hôm 21/12. Bộ trưởng Y tế cho biết người nhiễm không có triệu chứng và đang tự cách ly.

Đức báo cáo 18.411 ca nhiễm và 287 ca tử vong mới, nâng tổng số lên lần lượt 1.614.326 và 29.681. Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn tuần trước cho hay nước này muốn Liên minh châu Âu (EU) phê duyệt vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech "trước Giáng sinh", để có thể đạt mục tiêu bắt đầu tiêm chủng tại Đức trước cuối năm nay.

Đức hôm 24/12 thông báo ghi nhận ca biến thể Covid-19 đầu tiên xuất hiện ở Anh, là một phụ nữ đến từ London. Berlin thông báo sẽ gia hạn lệnh cấm đi lại từ Anh cho đến ngày 6/1/2021, bất chấp lời khuyên từ Ủy ban châu Âu (EC) rằng các nước thành viên trong khối nên hủy bỏ lệnh này.

Chính phủ Đức áp đặt lệnh phong tỏa một phần từ ngày 16/12 nhằm kiềm chế sự lây lan của nCoV dường như đang vượt khỏi tầm kiểm soát. Lệnh phong tỏa dự kiến được áp dụng tới ngày 10/1. Cửa hàng không thiết yếu và trường học đóng cửa, công ty được khuyến khích cho phép nhân viên làm việc tại nhà hoặc kéo dài thời gian nghỉ lễ.

Iran, một trong những vùng dịch lớn nhất Trung Đông, báo cáo 54.440 người chết, tăng 132, trong tổng số 1.189.203 ca nhiễm, tăng 6.021. Bộ Y tế nước này hồi đầu tháng thông báo tình trạng lây nhiễm đang chậm lại, nhưng họ lại đối mặt thử thách mới liên quan đến vaccine.

Tổng thống Hassan Rouhani cho biết Iran vẫn chưa thể mua vaccine Covid-19 do các ngân hàng không sẵn sàng xử lý giao dịch, bởi lo ngại vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ, bất chấp vaccine cùng những mặt hàng nhân đạo khác được cho là sẽ nhận được quyền miễn trừ.

Ca nhiễm nCoV Hàn Quốc tăng kỷ lục vào ngày Giáng sinh: 1.241 ca mới trong 24 giờ, nâng tổng số lên 54.770, trong đó 773 trường hợp đã tử vong, tăng 17 ca so với hôm trước.

Các ca nhiễm mới vài tuần gần đây còn bắt nguồn từ nhiều địa điểm và cộng đồng khác nhau, bao gồm những cơ sở chăm sóc dài hạn, nhà tù, doanh trại quân đội, nhà thờ và trường học. Hệ thống bệnh viện ở Seoul đang chật vật vì tình trạng thiếu giường chăm sóc tích cực.

Hàn Quốc, nơi từng được coi là hình mẫu chống Covid-19 của thế giới, đang mở rộng chương trình xét nghiệm hàng loạt, với việc xét nghiệm miễn phí tại khu vực Seoul mở rộng cho đến ngày 3/1. Giới chức cho biết hơn 118.000 xét nghiệm đã được tiến hành chỉ riêng trong ngày 24/12.

Trong nỗ lực kiềm chế đại dịch, chính quyền đã ban lệnh cấm tụ tập riêng trên 4 người tại khu vực Seoul mở rộng từ ngày 23/12 đến 3/1. Các nhà thờ phải chuyển sang tổ chức thánh lễ trực tuyến giữa mùa Giáng sinh, hoặc giảm quy mô sự kiện. Những khu nghỉ dưỡng trượt tuyết và công viên quốc gia bị đóng cửa trên toàn quốc.

Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 700.097 ca nhiễm, tăng 7.259, trong đó 20.847 người chết, tăng 258. Tổng thống Joko Widodo thông báo ông sẽ là người đầu tiên tiêm vaccine Covid-19 ở Indonesia và toàn bộ người dân sẽ được tiêm chủng miễn phí.

Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư trên thế giới với khoảng 270 triệu người, nhận lô vaccine Covid-19 đầu tiên gồm 1,2 triệu liều từ công ty Sinovac của Trung Quốc hôm 6/12. Nước này hy vọng sẽ bắt đầu tiêm chủng cho nhóm dân số là lao động từ 18 đến 59 tuổi, những người được coi là phải di chuyển nhiều nhất vì nghề nghiệp của họ.

Philippines báo cáo 467.601 ca nhiễm và 9.062 ca tử vong, tăng lần lượt 1.885 và 7 ca, là vùng dịch lớn thứ hai khu vực.

Chính phủ ra lệnh cấm tất cả chuyến bay từ Anh từ 24/12 đến 31/12. Philippines, quốc gia hơn 100 triệu dân, đã ký hợp đồng mua 2,6 triệu liều vaccine do AstraZeneca phát triển và dự kiến nhận được 30 triệu liều vaccine của Novavax Inc trước tháng 7 năm sau.

Họ có kế hoạch mua 25 triệu liều vaccine từ công ty Trung Quốc Sinovac Biotech và đặt mục tiêu mua trong khoảng 4-25 triệu liều vaccine từ Moderna và Arcturus Therapeutics.

Trong thông điệp Giáng sinh được đăng trên Twitter, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng hàng triệu người đã phải hy sinh niềm vui đón năm mới bằng cách tránh tiếp xúc với người thân vào Giáng sinh và có những gia đình đã mất người thân trong năm qua. "Nhưng khi làm như vậy, họ đang trao tặng những món quà quý giá nhất: món quà của mạng sống và sức khỏe", ông nói.

Ông nhấn mạnh người dân thế giới cần tuân thủ các quy định phòng dịch trong dịp nghỉ lễ. "Trên khắp thế giới, trong suốt năm nay, chúng ta đã chứng kiến nhiều lần sự hy sinh của rất nhiều người để bảo vệ và giữ gìn các sinh mạng".

"Chúng ta không được phung phí sự hy sinh của họ, cũng như sự hy sinh của rất nhiều gia đình, những người trong mùa lễ này sẽ ngồi bên bàn ăn gia đình mà thiếu vắng một gương mặt thân quen".

"Dù mất mát rất nhiều, chúng ta cũng nuôi dưỡng rất nhiều hy vọng. Vaccine đang cung cấp cho thế giới một lối thoát khỏi thảm cảnh này. Nhưng sẽ cần thời gian để cả thế giới được tiêm chủng", Tedros nói thêm.

https://vnexpress.net/

Phương Vũ (Theo AFP/Reuters)


Bản tin cho chúng ta thấy sự Dữ và những gì thuộc về Sự Dữ có mặt ở khắp nơi và nơi mọi người. Nhưng  Lời Chúa hôm nay cho chúng ta cảm nhận một cách chắc chắn, rõ ràng : lời loan báo của Đức Giê-su về sự bách hại thậm chí giết hại, lại chứa đựng Sự Sống của Thiên Chúa và hướng đến Sự Sống viên mãn của Người. Xin cho chúng ta, mỗi khi gặp khó khăn luôn cảm nghiệm được niềm vui sâu xa, vì mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô được tái hiện lại nơi cuộc đời của chúng ta, vì được trở nên giống như Người, được trở nên một với Người, và được Người nâng đỡ và chăm sóc cách đặc biệt.



"Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát." (Mt 10,22)




Thứ Năm, 24 tháng 12, 2020

Cuối tuần nghe hòa nhạc miễn phí, xem phim Giáng sinh

 Chương trình hòa nhạc sân vườn

Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức chương trình hòa nhạc sân vườn lần thứ 23 với tên gọi Hanoi Brass Band & Những người bạn. Hanoi Brass Band gồm 6 nghệ sĩ chuyên nghiệp từ Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam, Trường ĐH Văn hóa & Nghệ thuật Quân đội, Dàn quân nhạc Sở Công an TP Hà Nội. Trong chương trình hòa nhạc, sẽ có thêm hai nghệ sĩ Guitar và Keyboard cùng biểu diễn. Chương trình biểu diễn 14 bài nhạc, gồm các bài hát về Giáng Sinh, lễ hội và nhạc Nhật Bản vào lúc 20h ngày 25/12.

Triển lãm "Vietnam Reimagined - Tái tưởng tượng Việt Nam"

Triển lãm trưng bày các tác phẩm vẽ về Việt Nam của 27 nghệ sĩ trẻ đang sinh sống trong và ngoài nước. Những bức tranh minh họa đa phần được vẽ kỹ thuật số, thể hiện Việt Nam qua góc nhìn mới lạ, độc đáo mà thân thuộc. Các nghệ sĩ đã kết hợp phác thảo giấy và máy tính hoặc sử dụng bảng vẽ điện tử để thực hiện tác phẩm. Triển lãm mở cửa tự do từ nay đến 30/12 tại Viện Goethe Hà Nội. Ngoài ra, du khách cũng có thể sử dụng giấy và bút tại sự kiện để vẽ nên một Việt Nam của riêng mình.

Triển lãm "HỎI"

Tên của triển lãm bắt nguồn những câu hỏi như: Hội hoạ là gì? Điêu khắc là gì? Sắp đặt là gì? Nghệ thuật là gì?... Mỗi câu "hỏi" được các nghệ sĩ "trả lời" qua 45 tác phẩm thuộc nhiều hình thức đa dạng từ hội hoạ, điêu khắc tới sắp đặt. Có nghệ sĩ lấy cảm hứng từ những điều thường ngày, những sự kiện trong cuộc sống, như sản phẩm điêu khắc "Khói bụi" nơi thành thị. Hoặc chuỗi sắp đặt "Những đoạn trích" được lấy từ những trải nghiệm trực tiếp của nghệ sĩ sau đợt bão lụt ở miền Trung Việt Nam... Triển lãm mở cửa tự do các ngày trong tuần từ 9h - 20h30 tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (VCCA).


Tuần lễ phim Giáng Sinh 2020

L'Espace - Viện Pháp tại Hà Nội, tổ chức chiếu 6 bộ phim về chủ đề Giáng sinh gồm Gus bé nhỏ và bầy chim di cư, Aladdin và 1001 thứ, Aladdin và thần đèn siêu quậy, Asterix: Bí kíp luyện thần dược, Ailo: Cuộc phiêu lưu ở Laponie, Giải cứu Noel. Các phim sử dụng tiếng Pháp với phụ đề tiếng Việt, giá vé 40.000 đồng một người. Lịch chiếu vào lúc 19h (ngày 24/12), 15h30 và 18h (ngày 27/12).

https://vnexpress.net/

Ngân Dương


Nhìn lại dòng lịch sử 2020 với biết bao tệ nạn, khủng hoảng, đại dịch, lũ lụt...Chúng con cám ơn Chúa thật nhiều vì ngay giờ phút này chúng con được bình an, mạnh khỏe và đang chuẩn bị cho ngày đại lễ Giáng Sinh sắp tới mà nhiều nơi trên thế giới lại không có được điều này. Tin Mừng Ga hôm nay cho chúng con nhận rõ hơn về tất cả những ân huệ Chúa ban cho chúng con. Xin cho con luôn sống xứng đáng với tất cả những gì Chúa ban cho con.


"Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác."  ( Ga 1,16)





Thứ Ba, 22 tháng 12, 2020

Giáng sinh trầm lắng ở quê hương Chúa Jesus

 PALESTINEGiáng sinh năm nay tại Bethlehem, nơi Chúa Jesus chào đời, sẽ chứng kiến ít hoạt động nhộn nhịp do ảnh hưởng của Covid-19.

Vào thời điểm này những năm khác, hàng trăm nghìn du khách đang len lỏi khắp Bethlehem, thành phố Palestine nằm ở Bờ Tây cách Jerusalem chưa đầy 10 km về phía nam. Những tín đồ muốn chiêm ngưỡng Nhà thờ Chúa Giáng sinh, nơi Jesus chào đời, sẽ phải dùng khuỷu tay để len qua đám đông.


Năm nay, đại dịch gây thiệt hại cho các cửa hàng kinh doanh, nhưng nó cũng mang lại cơ hội cho các tín đồ tận hưởng bầu không khí tĩnh lặng hiếm có, theo Cha Rami Asakrieh, linh mục xứ Bethlehem.

"Có những lúc có tới hơn nửa triệu người tới Nhà thờ Chúa Giáng sinh vào thời điểm này", ông nói.

Tiếng đọc kinh vang vọng trong thánh đường vắng bóng du khách. Thánh lễ đêm Giáng sinh vào 24/12 được coi là sự kiện quan trọng nhất trong năm tại nhà thờ, sẽ đóng cửa với công chúng. Thậm chí, đại diện của chính quyền Palestine cũng không tới như thường lệ.

"Điều này chưa từng xảy ra", Asakrieh nói. "Tôi nghĩ rằng Giáng sinh năm nay thật khác biệt vì mọi người không còn tất bật chuẩn bị quà cáp cho ngày lễ. Bây giờ họ có thời gian để tập trung vào tinh thần đúng đắn của Lễ Giáng sinh".

Trước lễ Giáng sinh, nhà thờ nhỏ Saint Catherine ngay cạnh Nhà thờ Chúa Giáng sinh sẽ mở cửa cho người Palestine địa phương. Nhiều người đã tới đây hôm 20/12, bao gồm Nicolas al-Zoghbi, người cho rằng niềm vui Giáng sinh năm nay đã bị thay thể bằng "nỗi trầm cảm".

Ông nhắc tới cảm giác "đau đầu nhức óc" vì mất việc làm trong đại dịch của những người như con trai ông.

"Chúng tôi hy vọng Chúa sẽ tiêu diệt nCoV, để chúng tôi có thể quay lại cuộc sống trước đây", ông lão ngoài 70 tuổi nói.

https://vnexpress.net/

Hồng Hạnh (Theo AFP)

Mỗi sự kiện là một lời mời gọi của Chúa, quan trọng là chúng ta có đọc ra được Ý Chúa không. Chúng ta có  đủ bình tĩnh, đủ tin tưởng, phó thác và đặt niềm hi vọng nơi Ngài không? Tin Mừng hôm nay  cho chúng ta cảm nhận rằng Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta tràn đầy niềm vui sự hiện diện cứu độ của Người qua tất cả những ngày đời, từ khi mới sinh cho tới lúc chết. Xin đổi mới trong con hồng ân đức tin để con có thể tin vào những lời hứa của Chúa và vâng phục lời Chúa.


 “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây? ” Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em." ( Lc 1,66)






Thứ Hai, 21 tháng 12, 2020

Nhà thờ Công giáo rực rỡ trước Giáng sinh

 

Nhà thờ Lớn Hà Nội những ngày qua nhộn nhịp người dân đến vui chơi, ngắm cảnh. Sảnh trước được sắp đặt hang đá và cây thông Noel cao vài chục mét.

Phía trước cổng chính của nhà thờ là dòng chữ "Emmanuel" - Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Do ảnh hưởng của Covid-19, việc trang trí của Nhà thờ Lớn không có nhiều thay đổi so với năm trước.


Nhà thờ Chính tòa Thanh Hóa lung linh ánh đèn điện về đêm. Ngôi giáo đường này được xây dựng từ hơn 90 năm trước với kiến trúc Gothic đặc trưng của các nhà thờ Công giáo, mỗi năm thu hút hàng nghìn giáo dân và du khách đến chung chia niềm vui dịp Giáng sinh.

Linh mục Giuse Nguyễn Văn Bình, Chính xứ Chính tòa, cho biết để chuẩn bị cho đại lễ mừng Chúa giáng sinh năm nay, từ giữa tháng 11, Hội đồng giáo xứ đã huy động giáo dân ở các giáo họ cùng chung tay trang trí nhà thờ



Khuôn viên Nhà thờ Giáo xứ Thủ Thiêm (quận 2, TP HCM) năm nay được trang hoàng bằng những cây thông rực sáng bằng đèn led. Nhà thờ được xây năm 1859, là một trong những công trình lâu đời nhất thành phố, được các nhà nghiên cứu đánh giá là một phần di sản của vùng đất Sài Gòn. Cuối năm 2019, UBND TP HCM đã xếp hạng di tích cấp thành phố đối với Di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà thờ Thủ Thiêm và Tu viện Hội Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm.


Nhà thờ Đức Bà được trang trí cây thông Noel, một số chùm đèn màu. Công trình xây năm 1877, hoàn thành sau 3 năm và được Tòa thánh Vatican phong hàng tiểu Vương cung Thánh đường từ năm 1959 (tên gọi chính thức là Vương cung thánh đường Chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội). Không như những nhà thờ khác tại TP HCM, Nhà thờ Đức Bà không có vòng rào hoặc bờ tường bao quanh.

Do nằm ở trung tâm quận 1, lại là nhà thờ Chính tòa của Tổng Giáo phận TP HCM nên đây là địa điểm người dân, khách du lịch thường tập trung vào các dịp lễ, Tết, nhất là lễ Giáng sinh. Tuy nhiên, sau 140 năm, nhà thờ đã xuống cấp nên Tổng Giáo phận TP HCM đang đại tu công trình. Dự kiến đến năm 2023, việc đại tu hoàn tất.

https://vnexpress.net/

Thành Hoàng - Đông Tuấn - Hương Khoa


Không chỉ ở Việt Nam nhưng khắp nơi trên toàn thế giới đã chuẩn bị những hang đá xinh đẹp, lỗng lẫy...để chuẩn bị chào đón con Chúa GIáng Trần. Bài ca "Manificat" của Đức Maria hôm nay cho chúng ta biết rằng Giáng sinh là thời gian cho sự đổi mới niềm tin và hy vọng vào Thiên Chúa, vào những lời hứa của Người, và sâu đậm trong tình yêu dành cho Thiên Chúa và cho mọi người. Xin Chúa giúp con tha thiết tìm kiếm Chúa với lòng khiêm nhường và tin tưởng.


“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,47 thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. ( Lc 1,46)








CHƯA HỀ CÓ AI NÓI NĂNG NHƯ NGƯỜI ẤY

  Ông  Ni-cô- đê -mô nói với họ:  “Lề Luật của chúng ta có cho phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không?     (G...